Thất Sơn huyền bí và quyến rũ
- Văn hóa - Giải trí
- 17:31 - 23/08/2016
Ngày nay vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nhiều loài thú quý hiếm đã biến mất, nhưng hệ thống hang động gắn với biết bao câu chuyện hư hư, thực thực vẫn được truyền khẩu trong dân gian từ đời này sang đời khác cho tới hôm nay còn đầy màu sắc huyền bí.
Những lần về Thất Sơn, tôi hay được nghe nhiều người dân nơi đây kể về một nhân vật có thật, mà tên của ông được đặt cho một hang động ẩn chứa bao điều kỳ bí. Đó là Bác Vật Lang, tên thật là Lưu Văn Lang, sinh năm 1880 ở làng Tân Phú Đông (Sa Đéc). Tương truyền, ông là một kỹ sư đầu tiên cùa Việt Nam và toàn cõi Đông Dương thời Pháp thuộc. Ông không những giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng tiên đoán thiên cơ, thời vận nên người ta đặt tên cho ông là Bác Vật Lang (từ bác vật, tương đương như bác học thời ấy). Bác Vật Lang là một trong những người bản xứ được người Pháp kính nể trọng dụng trong nhiều công việc.
Một lần có một đoàn người Pháp tổ chức cuộc thám sát hệ thống các hang động trên núi Cấm (thuộc Thất Sơn), ông được mời tham gia đoàn. Khi cả đoàn phát hiện một cửa hang sâu nằm trên gần đỉnh núi, đã cột dây thừng vào một con khỉ rồi thả xuống, khi dây đã được thả rất dài thì tự dưng có cảm giác nhẹ hẳn, lập tức mọi người kéo dây lên thì con khỉ biến mất, như có ai đó đã cởi nút buộc dây thừng cho con khỉ vậy. Đến lượt thả con chó xuống cũng vậy, nên mọi người cảm thấy có điều gì thật kỳ bí ở dưới lòng hang, nhưng không ai dám xuống để thám sát. Bác Vật Lang đã tự nguyện cho mọi người cột dây thả xuống, một lúc sau mọi người hốt hoảng vì sợi dây cũng nhẹ hẫng, khi kéo dây lên thì Bác Vật Lang cũng biến mất. Đêm đó đoàn dựng trại ngủ ngay trên miệng hang, với hy vọng Bác Vật Lang còn sống và sẽ trở về.
Qủa nhiên, trời gần sáng thì Bác Vật Lang từ hang sâu bò lên, nhưng hỏi gì cũng không nói được, cấm khẩu ngay từ ấy. Ngay sau đó, ông được đưa lên một bệnh viện lớn ở Sài Gòn để chữa trị, nhưng không khỏi, mọi cố gắng của các bác sĩ đành bó tay. Nghe kể, vài năm sau đó có một đoàn giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng thuộc vùng Thất Sơn tới thăm, hỏi ông đã thấy gì dưới hang, thì tự dưng ông nói lơ lớ được vài câu rằng: “Dưới đó có một mâm cơm đã dọn sẵn…trên núi là cái lồng bàn, giở ra là ăn thôi, các ông ráng mà tu”. Chỉ nói vỏn vẹn có vậy, ông lại cấm khẩu cho tới khi qua đời vào tuổi 89 (năm 1969) tại quê nhà. Một góc Thiền viện và Phật Di Lặc trên núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương
Trong đời sống tâm linh và trong ký ức người dân An Giang còn lưu truyền về cuộc đời đầy bí ẩn của một kỳ nhân, một đạo sĩ có biệt tài đi mây về gió, có tài tiên tri, cứu nhân độ thế, đó là ông Đạo Lập.
Tên tuổi ông Đạo Lập gắn liền với ngôi chùa Bồng Lai, do ông xây dựng nên, nằm bên bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc (An Giang). Chùa Bồng Lai tuy uy nghi, lộng lẫy, nhưng lại là một địa chỉ thu hút đông đảo khách tham quan, bởi đây là ngôi chùa chứa đựng những huyền tích về kỳ nhân Đạo Lập. Nhiều chuyện kể đã tam sao thất bản, nhưng một trong những huyền tích được lưu truyền gắn với cuộc đời của kỳ nhân Đạo Lập chính là tấm “bia trấn yểm” vùng Thất Sơn, hiện còn được lưu giữ tại chùa. Tấm bia đã có từ hang trăng năm trước, được làm bằng đá sa thạch cho tới nay vẫn luôn ám ảnh, gợi trí tò mò khám phá của du khách thập phương.
Một vị sư kể, vào khoảng năm 1850 khi Phật thầy Tây An ở núi Sam đi thăm viếng Thủy Đài Sơn đã vô tình phát hiện ra tấm bia này được chôn dưới đất. Qua chữ khắc trên bia đọc được Phật thầy biết đây là loại bùa chú để trấn yểm linh khí rất thâm hiểm của kẻ làm ra tấm bia này. Thấy vậy Phật thầy lập tức nói với Đạo Lập (một trong những đệ tử giỏi nhất) quật lên đục bỏ những chữ bùa yểm đó. Sau đó, để triệt tiêu hoàn toàn sự nguy hại của tấm bia, Đạo Lập đã quyết định đưa về chùa Bồng Lai và dung phù trú của mình giam tấm bia trong miếu từ đó cho tới nay.
Cụ đạo sĩ Ba Lưới nay đã gần 100 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh minh mẩn là Trưởng Ban quản lý Thiền viện Chùa Lớn trên núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn
Một vị đạo sĩ khác, cũng được dân gian nhắc đến như một huyền thoại về một môn phái võ mà cho tới nay vẫn là một bí ẩn. Đó chính là đạo sĩ Ba Lưới, tên thật Nguyễn Văn Y, người ấp Thiên Tuế, xã An Hào, huyện Tịnh Biên (An Giang).
Một lão nông ở Tịnh Biên có lần kể, khoảng hơn 80 năm trước, từ một vùng quê xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang), có một thanh niên bỏ nhà, mang theo tấm lưới tìm lên núi Cấm để tầm sư học đạo. Thấy người thanh niên lên núi lại mang theo lưới đánh bắt cá, dân trong vùng thấy kỳ kỳ, nên đặt biệt danh là Ba Lưới. Ở núi Cấm đạo sĩ Ba Lưới đã lần lượt học với nhiều vị đạo sĩ tu hành đắc đạo, được truyền dạy rất nhiều phương thuốc quý, đắc dụng và võ thuật cao siêu.Nghe nói, ông là một trong số rất ít đệ tử của môn phái võ Đường Phong, nắm được tuyệt chiêu “Bình Phong Lạc Nhạn” ra đòn nhanh như chớp.
Theo các bậc võ sư cao niên, đây chính là môn võ mà võ sĩ huyền thoại Lý Tiểu Long (Trung Quốc) thường dùng. Thế võ được thực hiện bằng cách tung người lên cao và ra đòn với một loạt cú đá liên hoàn vừa nhanh, vừa mạnh khiến đối phương không kịp đỡ.
Cũng chính bằng thế võ này, đạo sĩ Ba Lưới đã hai lần hạ gục mãng xà (loại rắn hổ mây lớn), mà nay còn được nhắc nhớ như một chiến tích huyền thoại. Tuy nắm giữ một thế võ tuyệt chiêu như thế, nhưng cuộc đời đạo sĩ Ba Lưới lại chuyên tâm vào việc tìm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cứu người là chính. Nay cụ Ba Lưới đã gần 100 tuổi, được người dân địa phương rất tôn kính, vì cụ là một người có công lớn trong việc xây dựng tượng Phật Di Lặc bằng bê tông cao hơn 30 mét và công trình chùa Phật Lớn trên núi Cấm. Chính vì thế suốt hàng chục năm qua, cụ luôn được giữ chức Trưởng Ban Quản lý Thiền viện chùa Phật Lớn