CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Thảo luận một số nội dung liên quan đến vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ về các vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA với Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ về các vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA với Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh bày tỏ vui mừng với những kết quả tốt đẹp giữa Việt nam và EU sau khi hai bên kí kết và triển khai Hiệp định EVFTA, giúp kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên đáng kể. Về khía cạnh lao động, đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 09/10 công ước cơ bản. Đối với 02 công ước mà Việt Nam mới gia nhập là Công ước 98 về thương lượng tập thể và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Thứ trưởng cho biết, sau khi Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 và Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các kế hoạch hành động thực hiện hai Công ước trên.

Nội dung các công ước trên đều đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019. Sau gần 02 năm thực hiện, dù bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song các quy định của Bộ luật Lao động 2019 đã cơ bản được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động thực hiện tương đối tốt, không có khó khăn, vướng mắc lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức. Cụ thể, theo các kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Hiệp định CPTPP và EVFTA, Công ước 87 sẽ được xem xét, đề xuất gia nhập vào năm 2023. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành kế hoạch nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước số 87, trong đó xác định 7 nhóm công việc cụ thể sẽ được thực hiện để đề xuất gia nhập Công ước.

Bà Dora Correia, Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu đánh giá cao những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách pháp luật lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo những cam kết trong Hiệp định EVFTA

Bà Dora Correia, Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu đánh giá cao những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách pháp luật lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo những cam kết trong Hiệp định EVFTA

Đến nay, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng ILO tại Hà Nội và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan (trong đó có Viện FES của Cộng hòa Liên bang Đức) để triển khai các công việc theo kế hoạch.

Về việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Bộ luật Lao động 2019, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn triển khai Bộ luật Lao động 2019 đã được ban hành đúng theo kế hoạch, bao gồm 03 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 03 Thông tư.

Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn tất quy trình tham vấn nội bộ và các thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể trong thời gian sớm nhất, dự kiến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Đối với vấn đề lao động trẻ em, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Châu Á tiên phong hình thành Liên minh Quốc gia 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc “cam kết tiến tới một thế giới không có lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại, mua bán người và lao động trẻ em vào năm 2030”, trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em.

Kết quả Khảo sát Lao động trẻ em 2018 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ILO và Bộ Lao động Hoa Kỳ thực hiện cho thấy nhiều chuyển biến tích cực về tình hình trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam so với kết quả cuộc điều tra quốc gia lao động trẻ em năm 2012. Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 và đang triển khai trong phạm vi cả nước.

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, bà Dora Correia chia sẻ, Việt Nam đã thực sự có những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách pháp luật lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo những cam kết trong Hiệp định EVFTA; đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực của mình, Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn việc gia nhập Công ước 87 và thông qua Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể theo kế hoạch dự kiến.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và bà Dora Correia cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và bà Dora Correia cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Giám đốc phụ trách Thương mại và Phát triển bền vững của Nghị viện Châu Âu khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, lao động trẻ em và các cam kết khác trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU ngày càng phát triển.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh