CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:02

Tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng theo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và giám sát của Ủy ban Tư pháp thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông-vận tải, tài nguyên và môi trường...

Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, nguyên nhân chủ yếu do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm Pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh trong việc trưng cầu và tiếp nhận giám định.

Để khắc phục vướng mắc trên và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực hiện có của hai ngành, Bộ Công an, Bộ Y tế cần hướng dẫn điều phối phù hợp việc trưng cầu và tiếp nhận giám định.

Tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 41 của UBTVQH

Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), nhiều ý đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc do quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao giám định, nên có tình trạng cơ quan này đợi cơ quan khác giám định xong mới tiến hành giám định, thậm chí còn đùn đẩy giữa các cơ quan, dẫn tới kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.

Sự ra đời của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Qua tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25 của dự thảo Luật theo hướng: kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư 01 đang được thực hiện ổn định, hiệu quả.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 11 quy định như sau: Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, giám định viên tư pháp phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu tính cả hai ngày cuối tuần thì phải sau 7 ngày giám định viên tư pháp mới thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, sau đó người trưng cầu, người yêu cầu giám định mới có quyền quyết định tự trưng cầu giám định.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, nếu phải chờ đến 7 ngày là quá dài trong khi đây là những vụ việc đặc thù, chứng cứ không còn nữa. Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cân nhắc về việc những vụ việc xâm hại trẻ em thì có nên rút ngắn thời hạn hay không.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh