THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:04

Thêm “kênh” lựa chọn để giám định tư pháp khách quan, chính xác hơn

Tranh luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong giám định tư pháp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của luật đã có tính ổn định, bền vững.

Một trong những nội dung nhận được nhiều tranh luận của đại biểu là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Ủng hộ dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với việc cần thiết phải bổ sung Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp trong dự án luật này.

"Thực tế cho thấy, giám định trong lĩnh vực tài chính, có những trường hợp cán bộ quản lý của các bộ, ngành có liên quan nên dễ dẫn đến trường hợp từ chối, hoặc đùn đẩy, né tránh thực hiện giám định hoặc giám định không khách quan khi trưng cầu bộ, ngành đó" – đại biểu nói và nhấn mạnh việc có thêm một cơ quan chuyên môn cao thực hiện giám định thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giám định khách quan, chính xác, kịp thời.

Thêm “kênh” lựa chọn để giám định tư pháp khách quan, chính xác hơn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về luật giám định tư pháp

Mặc dù lĩnh vực giám định đã được giao cho Bộ Tài chính quản lý, song theo đại biểu, đây là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các hoạt động có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đây cũng là lĩnh vực then chốt trong quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước cũng như trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc giao thêm một cơ quan có nhiệm vụ giám định tư pháp đối với lĩnh vực đặc biệt này cũng là điều hết sức cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định và bản thân những người tham gia giám định.

"Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế cho thấy, mặc dù cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng giữa các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh. Báo cáo từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy" - đại biểu Nguyễn Thái Học nói và nhấn mạnh, nếu đề nghị kiểm toán tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính thì sẽ có thêm một kênh để lựa chọn và bản kết luận sẽ mang tính khách quan, chính xác hơn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội không đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, việc bổ sung thêm kiểm toán nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức.

"Đảng có nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan làm, nếu cứ vì khó khăn trong thực tiễn, nói đảm bảo tính độc lập, tính khách quan mà "cơi nới" thẩm quyền thì sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy" - ông Nguyễn Thanh Hồng nêu ý kiến.

Thêm “kênh” lựa chọn để giám định tư pháp khách quan, chính xác hơn - Ảnh 2.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa băn khoăn về sự cần thiết bổ sng đơn vị giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự

Có cần bổ sung đơn vị giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự?

Ngoài ra, Điều 12 Luật hiện hành quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an cấp tỉnh), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Quốc phòng). Trong Dự thảo luật bổ sung quy định "Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao". Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn, "liệu việc bổ sung cơ quan này vào dự thảo luật có thực sự hợp lý và cần thiết, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn, thông lệ quốc tế không? Việc bổ sung này có dẫn đến lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất và có trái tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không?". Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nếu bổ sung cơ quan này vào luật sẽ làm tăng bao nhiêu biên chế, mất thời gian bao lâu để đào tạo giám định viên, tính hiệu quả hoạt động của cơ quan này?

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) đồng ý với quy định như trong dự thảo luật.

Thêm “kênh” lựa chọn để giám định tư pháp khách quan, chính xác hơn - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cho rằng, cần tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định

Đại biểu phân tích theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số...Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.

Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định "Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao" trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.


CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh