CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Đêm nhạc "Thanh Tùng- Trái tim không ngủ yên"

 

Theo BTC chương trình, “Trái tim không ngủ yên” là chương trình âm nhạc được biên tập kĩ lưỡng, trau chuốt về nội dung, hình ảnh, thiết kế không gian sân khấu đúng đẳng cấp “diva”…  Khán giả không chỉ được thưởng thức những thành công, những ca khúc được yêu thích nhất của nhạc sĩ Thanh Tùng, mà còn có sự phối khí mới mẻ của nhạc sĩ Quốc Trung. Với vai trò là Giám đốc âm nhạc, Quốc Trung cho biết, hiện cả ê kíp đang dành tất cả thời gian để chuẩn bị cho những màn trình diễn và kết hợp lần đầu tiên trên sân khấu. Theo đó, trên sân khấu “Thanh Tùng – Trái tim không ngủ yên” sẽ là không gian đong đầy cảm xúc của tiết thu Hà Nội, khán giả sẽ được nghe lại những ca khúc nổi tiếng của "nhạc sĩ của những bản tình ca" như: “Em và tôi”, “Giọt nắng bên thềm”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Hát với chú ve con”, “Hoa cúc vàng”, “Hoa tím ngoài sân” 

Điểm đặc biệt nhất trong chương trình “Trái tim không ngủ yên” là sự xuất hiện của những giọng ca hàng đầu Việt Nam như Thanh Lam, Tùng Dương và Hà Trần. Họ đều là những nghệ sĩ xuất hiện khá nhiều trong những liveshow của nhạc sĩ Thanh Tùng. Trong đó, ca sĩ Hà Trần cũng được nhớ đến khi trình bày những tác phẩm như “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”… Tùng Dương với ca khúc “Chuyện cổ Nghi Tàm” ... Và đây là dịp đầu tiên cả 3 nghệ sĩ sẽ cùng hòa quyện trong những tác phẩm bất hủ của cố nhạc sĩ. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, nhạc sĩ Thanh Tùng là người đặt nền móng cho nhạc pop Việt Nam, anh và các nhạc sĩ cùng lứa như Ngọc Châu, Ngọc Lễ và nhiều nhạc sĩ khác đều bị ảnh hưởng của ông và coi ông như một tượng đài. Ngay cả khi ông không làm nhạc nữa thì sức ảnh hưởng của ông cũng rất lớn. Cũng theo Quốc Trung, nhạc sĩ Thanh Tùng nổi tiếng là người đào hoa, lãng mạn nhưng cũng được biết đến là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, với các con. Nhiều mối tình ông phải chủ động dừng lại ở trạng thái quyến luyến, thậm chí đau khổ vì nghĩ đến các con. Trái tim của Thanh Tùng không sống cho riêng mình, ông dành trái tim ấy cho gia đình và đó là điều anh rất cảm phục.

 

Thanh Lam và Tùng Dương sẽ đứng chung trên sân khấu "Trái tim không ngủ yên"

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ra tại Khánh Hòa và theo cha mẹ tập kết ra Bắc, lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Ông từng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại TP. Hồ Chí Minh và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và khai sinh nhóm hợp ca “Những làn sóng nhỏ”. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh, "Cánh chim báo tin vui" của Đàm Thanh...

Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay "Cây sầu riêng trổ bông" cho một vở cải lương. Từ đó, ông đã viết hơn 200 bài hát. Nhiều sáng tác của ông được giới trẻ yêu thích như "Hát với chú ve con", "Hoàng hôn màu lá", "Chuyện tình của biển", "Lời tỏ tình của mùa xuân", "Ngôi sao cô đơn", "Câu chuyện nhỏ của tôi", "Hoa tím ngoài sân", "Em và tôi", "Phố biển", "Mưa ngâu", "Lối cũ ta về". Năm 2008, ông không còn đi lại được sau một trận tai biến bất ngờ. Ông bị liệt bên phải, mất khả năng nói, bị tiểu đường và thận. Ông qua đời vào ngày 15/3/2016 tại Hà Nội. Gia đình chọn nơi an nghỉ cho ông tại Công viên Thiên Đức (Vĩnh Hằng Viên - tỉnh Phú Thọ).

Dưới bàn tay dàn dựng công phu của nhạc sĩ Quốc Trung, cùng với phần phối khí mới mẻ, hiện đại, trẻ trung của nhạc sĩ  Quốc Trung, Thanh Phương, Lưu Hà An, đặc biệt với sự tham gia của các học trò cưng của Thanh Lam, Tùng Dương từ Nhân tố bí ẩn 2016, “Trái tim không ngủ yên” hứa hẹn sẽ mang 1 tới một làn gió mới trong âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng, góp phần khắc họa chân dung về cuộc đời âm nhạc của ông.

HIỀN NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh