Thành phố phía Đông: “Cú hích” để TP. Hồ Chí Minh phát triển
- Huyệt vị
- 18:43 - 01/09/2020
Động lực tăng trưởng mới
Phương án sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông (đang tạm gọi là TP Thủ Đức) sẽ là khu đô thị sáng tạo tương tác cao, được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Trước đây, TP.Hồ Chí Minh phát triển chủ yếu dựa vào tài nguyên đất đai, thiên nhiên, nhưng theo thời gian, nguồn lực đó dần hạn chế, nên cần xây dựng một vùng đô thị mới, lấy con người làm nguồn lực tăng trưởng trong tương lai. Với việc thành lập thành phố phía Đông, TP.Hồ Chí Minh hướng đến những khu đô thị hiện đại gắn với hoạt động tri thức, có giá trị gia tăng cao trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu vực dự kiến thành lập thành phố phía Đông của TP.Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế sẵn có: Khu đại học (đào tạo bậc cao) ở quận Thủ Đức, khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến) ở quận 9 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) ở quận 2, kết hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện.
Từ những lợi thế sẵn có này, trong tương lai thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển những trường đại học, viện nghiên cứu để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển các ý tưởng; sau khi nghiên cứu thành công sẽ chuyển qua sản xuất ở khu công nghệ cao và quá trình này sẽ được trợ giúp về vốn từ trung tâm tài chính và cuối cùng là sử dụng logistics (cảng Cát Lái) phân phối đi thị trường các nước trên thế giới.
Đây là chuỗi sản xuất khép kín tạo công ăn việc làm với thu nhập cao cho người dân. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, động lực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo phía Đông. Nếu được thành lập, thành phố phía Đông sẽ là trung tâm lớn về công nghệ cao, đào tạo nhân lực trình độ đại học. Dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP cho TP. Hồ Chí Minh, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại và sẽ là nguồn lực tăng trưởng mới của TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, thành phố phía Đông có diện tích tự nhiên 211,5 km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người.
Tuy nhiên, đây là mô hình hoàn toàn mới, các chuyên gia Việt Nam chưa có kinh nghiệm cả về quy hoạch lẫn hiện thực hóa ý tưởng, nên TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia Việt kiều đã và đang đặt rất nhiều tâm huyết vào việc phát triển TP.Hồ Chí Minh gợi ý rằng, thành phố có thể tham khảo mô hình vùng đô thị Paris của Pháp.
Theo ông Sơn, vùng đô thị Paris có quy mô dân số hơn 12 triệu dân, diện tích 17.000km2. Tuy nhiên, Thủ đô Paris lại có diện tích chỉ 105 km2 với dân số khoảng 2,3 triệu người. Để phát triển quy mô đô thị, 3 tỉnh ráp ranh thuộc vùng đô thị Pari là Seine Saint Denis, Val de Marne và Hauts de Seine, mặc dù là độc lập về hành chính, nhưng phát triển theo hướng chỉ đạo chung của trung tâm Thủ đô Paris. Nếu làm tốt thì thành phố phía Đông của TP. Hồ Chí Minh tương lai sẽ giống với khu Hauts de Seine của Paris, là nơi bao gồm khu trung tâm mới cao tầng La Défense với những cao ốc kinh tế - tài chính, hạ tầng hiện đại và thu hút dân cư trí thức có thu nhập cao. Còn khu trung tâm hiện hữu với bề dày lịch sử sẽ được bảo tồn và đẩy mạnh phát triển du lịch.
Nếu đi theo mô hình này, thành phố phía Đông sẽ là trung tâm nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các đề tài khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao, sẽ là khu vực áp dụng mô hình đô thị thông minh trước khi triển khai trên phạm vi toàn thành phố.
Để biến ước mơ thành hiện thực
So sánh với các hướng phát triển khác, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Bước đột phá mới của thành phố phía Đông sẽ là lực đẩy để TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng thành lập và phát triển thành phố phía Đông cần có những cơ chế phù hợp, đủ thông thoáng.
Thực tế, những năm qua, khu Đông TP.Hồ Chí Minh là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010 - 2020, TP.Hồ Chí Minh triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông. Nhưng có vẻ như chừng đó vẫn là chưa đủ. Việc thành lập "Thành phố phía Đông" không chỉ là vấn đề quản lý hành chính, nó còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của Trung ương, nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho TP.Hồ Chí Minh và cả Đông Nam bộ. Do đó, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 - 10 năm tới. Đây sẽ là "quả đấm kinh tế", đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố hiện nay.
Từ cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP.Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố, gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể Khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời thành phố khu Đông thuộc TP. Hồ Chí Minh trong tương lai gần.
"Theo lộ trình, đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được TP.Hồ Chí Minh trình Quốc hội trong năm 2020. Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi TP.Hồ chí Minh có thể bắt tay triển khai", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.