Thành phố hướng ra biển
- Huyệt vị
- 16:43 - 02/01/2015
Ông Phạm Tấn Hoàng. |
* Thưa ông, TP. Quảng Ngãi đang dần cán đích mục tiêu chuyển đổi từ đô thị loại III lên đô thị loại II. Nhìn lại năm 2014, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
- Năm 2014 là năm TP Quảng Ngãi có nhiều biến động lớn, như việc thực hiện Nghị quyết 123 về việc sát nhập 13 xã của 2 huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh về thành phố, đã gây không ít xáo trộn trong công tác quản lý và vận hành hoạt động chung, đặc biệt là công tác cán bộ, tiếp nhận hồ sơ từ 13 xã vừa sát nhập đã tăng các đầu mối công việc.
Trước thách thức lớn như vậy, các ban, ngành ở địa phương đã cùng nỗ lực nhằm tạo ra sự hòa nhịp giữa thành phố hiện tại và các đơn vị hành chính vừa sát nhập, sao cho đồng bộ và đạt hiệu quả nhiệm vụ được giao. Một trong những kết quả lớn của TP. Quảng Ngãi trong năm 2014 là thu ngân sách trên địa bàn tăng.
Trên lĩnh vực phát triển đô thị, đây là nhiệm vụ trọng tâm để năm 2015 TP. Quảng Ngãi trở thành đô thị loại II, vì vậy, chúng tôi đã có những bước đột phá, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm trong khu vực trung tâm thành phố, hoàn thành đề án bê tông hóa các tuyến thôn, xã, phường, chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố lớn, phủ xanh các tuyến phố mới nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tự Tân, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đến tận các khu dân cư trong nội thị, góp phần tạo mỹ quan và nâng cao chất lượng đô thị.
Trumg tâm TP. Quảng Ngãi.
* Quá trình xây dựng và vươn lên thành đô thị loại II, TP. Quảng Ngãi có bộc lộ điểm yếu nào, thưa ông?
- Điểm yếu lớn nhất của TP Quảng Ngãi là đô thị cũ và thiếu đồng bộ, trong khi các dự án phát triển đô thị mới có qui hoạch bài bản lại chậm phát triển, do thị trường bất động sản đóng băng trong vài năm qua, hiện mới đang ấm dần lên, chưa đủ sức tạo ra chuyển biến lớn.
Một số tuyến giao thông trong nội thành đã được phê duyệt nâng cấp, mở rộng, nhưng chưa đủ kinh phí thực hiện. Hệ thống cây xanh, công viên giải trí tuy đã đạt chỉ tiêu 8m2/người, song phân bố chưa đồng đều. Công tác giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng đô thị cũng chậm, xuất phát từ nhận thức của người dân, cộng với sự hạn hẹp của nguồn kinh phí, dẫn đến việc chậm tiến độ của không ít dự án.
Ví như, dự án nâng cấp đường Nguyễn Trãi đến ngã tư Cầu Mới có vốn đầu tư 120 tỷ đồng, nhưng giá trị xây lắp chỉ 22 tỷ đồng, số còn lại dành hết cho giải phóng mặt bằng.
* Thưa ông, phát triển thương mại và tiểu thủ công nghiệp là rất cần thiết với thành phố trẻ như Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vì vướng mắc gì mà kinh tế thương mại của địa phương chưa thể đột phá?
- Chúng tôi xác định đây là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, bởi TP. Quảng Ngãi giữ vị trí trung tâm, chi phối mọi hoạt động của cả tỉnh. Với ý nghĩa ấy, chính quyền thành phố luôn chú trọng công tác đầu tư, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và sản xuất.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của TP. Quảng Ngãi trên lĩnh vực thương mại dịch vụ chính là hệ thống chợ chưa được quy hoạch bài bản, chưa có doanh nghiệp tâm huyết đầu tư, vì thế phần lớn các chợ trên địa bàn còn phát triển manh mún. Ngoài chợ trung tâm thành phố sẽ được xây mới hoàn toàn vào năm 2015, thì đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dự án chợ vệ tinh nào trong nội thành được xây dựng bài bản và xã hội hóa.
Công viên Ba Tơ.
* Việc sát nhập thêm 13 xã vào thành phố đã làm tăng thêm diện tích sản xuất nông nghiệp. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này ?
- Việc sát nhập 13 xã không chỉ làm tăng diện tích sản xuất, mà số hộ, số khẩu nông nghiệp của thành phố cũng tăng, điều này đặt ra nhiều bài toán cần có lời giải, nhằm tạo hiệu quả sản xuất. Điều này rất quan trọng, vì tính theo diện tích và dân số, TP Quảng Ngãi có tỷ lệ nông nghiệp chiếm hơn phân nửa.
Trước thực tế này, năm 2014, TP. Quảng Ngãi đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chỉ tiêu nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, địa phương cũng đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, các vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ cho nhu cầu của dân cư thành phố, cho toàn tỉnh và địa phương lân cận.
* Hiện trạng của 13 xã mới sát nhập vào thành phố cũng như định hướng phát triển cho các “đô thị lõm” này ra sao, thưa ông?
- Theo 19 tiêu chí cần phải có của một đô thị, thì trong 13 xã mới sát nhập, có gần 1/3 số xã chỉ đạt rất ít các tiêu chí, cá biệt có xã mới chỉ đạt được 3 tiêu chí. Trước mắt, thành phố vẫn chỉ đạo một số các xã có điền kiện thuận lợi cố gắng nâng dần các tiêu chí, với các xã đã và đang được đầu tư theo chương trình nông thôn mới, cần tăng tốc trong hoàn thiện nhằm giảm dần khoảng cách với khu đô thị hiện hữu.
Sau khi sát nhập, diện tích của TP. Quảng Ngãi tăng lên gấp 4 lần, dân số tăng 2,5 lần, vì thế cũng phải có thời gian để hòa nhịp. Chỉ tính riêng lĩnh vực hồ sơ đất đai, trong năm 2014, thành phố đã tiếp nhận gần 20.000 hồ sơ sát nhập, chuyển đổi, đến tháng 12/2014 đã giải quyết gần 17.000 hồ sơ, cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và các ban, ngành trên địa bàn.
* Thưa ông, như đã nêu ở trên, TP. Quảng Ngãi sẽ cán đích đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015. có nhiệm vụ nào cần phải tăng tốc vào thời điểm này?
- Theo thang điểm quy định, để đạt chuẩn đô thị loại II cần phải đạt 75 điểm, đến nay TP. Quảng Ngãi cơ bản đạt được 65 điểm. Trong giai đoạn nước rút, địa phương đã rà soát tất cả các tiêu chí để cố gắng hoàn thành nốt và xây dựng đủ thang điểm đã đề ra, tiếp đó làm các thủ tục đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tuy vậy, từ nay đến thời điểm được công nhận, TP. Quảng Ngãi vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất vẫn là xây dựng hạ tầng đô thị đạt chuẩn. Để đạt được điều này, ngoài việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân thông qua tuyên truyền, vận động, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo đến các ngành chức năng của tỉnh.
* Có 5 xã ven biển được sát nhập vào TP Quảng Ngãi, phải chăng chiến lược lâu dài của địa phương là xây dựng đô thị hướng ra biển, thưa ông ?
- Các đô thị lớn ở miền Trung đều có biển và TP Quảng Ngãi cũng đang phát triển theo hướng đó. Kinh tế biển, du lịch biển đang là xu thế phát triển có hiệu quả. Trong những năm tới, TP. Quảng Ngãi sẽ quy hoạch có bài bản về đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản và chế biến xuất khẩu.
Đây là những ngành nghề truyền thống từ lâu, song chưa được đầu tư đúng mức, người dân, doanh nghiệp cần nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước để khuyến khích họ yên tâm bám biển, đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển.
Quảng Ngãi có bờ biển đẹp, với 5 xã ven biển, chúng ta có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch biển. Khi chưa sát nhập cơ hội kêu gọi đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, thành phố sẽ xây dựng những đề án mang tính chiến lược không chỉ cho du lịch biển mà là phát triển đô thị hướng ra biển.