Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 75.000 lao động trong quý IV
- Bài thuốc hay
- 16:32 - 11/10/2019
Kết quả khảo sát, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm có kinh nghiệm làm việc chiếm tỉ lệ cao (87,23%), tỉ lệ lao động đang làm việc có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới chiếm 11,27%.
Dự báo nhu cầu nhân lực trong doanh nghiệp quý IV cần khoảng 75.000 chỗ làm việc, cụ thể: tháng 10 cần khoảng 20.000 chỗ làm việc, tháng 11: khoảng 25.000 chỗ làm việc, tháng 12: khoảng 30.000 chỗ làm việc. Trong đó, ngành có nhu cầu nhân lực cao phần lớn thuộc nhóm kinh tế dịch vụ chiếm 52,56%, tập trung ở các lĩnh vực như: kinh doanh - bán hàng (23,24%), dịch vụ phục vụ (15,55%), vận tải - xuất nhập khẩu (5,48%), kinh doanh tài sản - bất động sản (4,83%), dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng (4,30%)…
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu như: điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su; chiếm tỉ lệ 17,4%.
Nhu cầu nhân lực 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ (gồm: Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, thương mại; du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn; khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo) chiếm 52,56%, tập trung cao ở một số nhóm ngành như: Kinh doanh - bán hàng, dịch vụ phục vụ, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, kinh doanh tài sản - bất động sản, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, kế toán - kiểm toán, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, do nhu cầu tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, các đơn hàng cung cấp cho thị trường vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là các dịp lễ, Tết nên đây là thời điểm doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng lao động. Điển hình như nhóm ngành kinh doanh - bán hàng chiếm 23,24% nhu cầu tuyển dụng, dịch vụ phục vụ chiếm 15,55%.
'Nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc thời vụ, bán thời gian gia tăng; tình trạng dịch chuyển lao động không nhiều như các thời điểm khác trong năm; người lao động không muốn thay đổi công việc mà muốn ổn định để làm cơ sở tính toán lương và các khoản phúc lợi cuối năm', đại diện Falmi khẳng định.
Thị trường lao động tiếp tục phát triển theo hướng thu hút lao động có trình độ tay nghề cao, xu hướng nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 26,04%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.
Trong 9 tháng của năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia lĩnh vực lao động việc làm, việc ổn định kinh tế - xã hội đã tạo động lực cho phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng; đồng thời tác động tích cực đến cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố.
Do doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu nguồn cung hàng hóa trong nước và xuất khẩu nên nhu cầu thị trường lao động hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.
Song song đó, nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm làm việc trong tổng cầu lao động cũng chiếm tỷ lệ lớn, điều này đã mở ra nhiều cơ hội đối với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.