THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Thanh lý hơn 100 toa tàu: Cân sắt vụn cũng không ai mua?

 

Bán sắt vụn không ai mua?

Trao đổi với PV sáng nay (11/10), lãnh đạo Haraco cho biết, đơn vị đang thực hiện các thủ tục để bán đấu giá công khai lô 134 toa xe các loại với giá khởi điểm 7,3 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế và chi phí vận chuyển, cắt dỡ.

Lãnh đạo Haraco khẳng định, đây đều là các toa xe thanh lý đều có tuổi thọ hàng chục năm, lạc hậu và hiệu quả vận dụng rất thấp, nhất là các toa xe hàng.

Cụ thể, trong 134 toa xe thanh lý có 9 toa xe khách ghế ngồi nhưng được sản xuất từ những năm 1958 - 1974, còn lại là các toa xe hàng, toa xe hành lý được sản xuất từ năm 1957 - 1994, có tới 98 toa xe hàng sản xuất từ những năm 1964 -1967.

 
 

Ngành đường sắt chủ trương bán các toa xe cũ và đóng mới các đoàn tàu mới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

 

Lãnh đạo Haraco tiết lộ, đến thời điểm hiện tại, Haraco chỉ nhận duy nhất đề nghị của một đơn vị vận tải logistic muốn mua 3 toa xe với giá 120 triệu đồng/toa xe. Tuy nhiên, sau khi đi xem thực tế toa xe, đơn vị này lại từ chối không mua nữa vì không phù hợp với mục đích sử dụng.

“Chúng tôi đã đánh tiếng bán từ lâu nhưng không có ai hỏi mua. Điều này cũng dễ hiểu bởi những toa xe này không thể sử dụng được vào việc gì, làm ăn kinh doanh càng không thể. Chúng tôi thậm chí còn tính bán cân theo giá sắt vụ, nhưng cũng không ai mặn mà. Vì vậy, Haraco phải quyết định đưa ra bán toàn bộ 134 toa xe này theo lô và 1 ô tô Mercedes qua trung tâm đấu giá” - lãnh đạo Haraco cho biết.

Theo lãnh đạo Haraco, cùng với việc bán đấu giá các toa xe cũ, công ty sẽ đóng mới các toa xe hiện đại hơn nhằm nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng đi bằng đường sắt. Hiện đơn vị này đang đầu tư đóng mới 60 toa xe khách chất lượng “5 sao”.

Trước đó, năm 2016, Haraco cũng thanh lý lô 150 toa xe và thu về gần 7 tỷ đồng, trong số đó có đến 130 toa xe hàng đã qua sử dụng từ 30 - 55 năm.

Bán đấu giá theo “mớ”?

Theo quy trình bán đấu giá, khi có đề nghị cần thanh lý các toa xe, Hội đồng thanh lý tài sản của Haraco thực hiện giám định thực tế và lập danh mục cụ thể. Sau đó, Hội đồng sẽ thuê một đơn vị có chức năng thẩm định giá tài sản thẩm định và kết quả thể hiện bằng chứng thư thẩm định giá. Các thủ tục thực hiện rất chặt chẽ theo quy định.

 

 
Việc bán đấu giá theo "mớ" 134 toa tàu cũ của Haraco là lựa chọn cuối cùng vì không có khách lẻ mua lại.
 

Được biết, trong 8 hồ sơ của 8 trung tâm bán đấu giá gửi đến, Haraco đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Đấu giá Bình Minh miền Trung để thực hiện bán đấu giá lô 134 toa xe và 1 xe ô tô của năm 2017. Công ty này đang xây dựng quy chế đấu giá và thực hiện các bước tiếp theo.

Do tính chất và giá trị sử dụng của các toa xe không còn, vì thế Haraco lựa chọn bán đấu giá theo lô, hay nói cách khác là bán theo “mớ”. Tính trung bình, toa xe đó giá sẽ thấp hơn khi bán lẻ, ước tính khoảng 50 triệu/toa xe.

“Chúng tôi muốn bán lẻ để có thể thu được 120 triệu đồng/toa xe như một đơn vị logistic từng trả giá, nhưng vấn đề là không tìm được người mua” - đại diện Haraco nói.

Trên thực tế, việc doanh nghiệp tự thanh lý số lượng lớn toa xe được cho là rất phức tạp, vì vậy việc bán đấu giá công khai qua trung tâm tư vấn đấu giá sẽ đảm bảo khách quan, minh bạch. Những năm gần đây, ngành đường sắt đều thuê trung tâm đấu giá thực hiện để đảm bảo khách quan.

Lãnh đạo Haraco thông tin, việc bán đấu giá 134 toa tàu cũ sẽ được tiến hành vào ngày 30/10 tới đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh