CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Thanh lọc sóng truyền hình: Đài quốc gia phải làm gương

 

Nghệ sỹ Xuân Hương: Các đài lâu nay dung túng hài nhảm, hài tục

Truyền hình giờ quá nhiều gameshow nhưng lại không có sự kiểm soát của giới chuyên môn- đạo diễn, nhà sản xuất, nhà đài và cơ quan quản lý. Do nhà sản xuất, nhà đài chỉ nghĩ tới “tiêu chí” lợi nhuận, lấy đó làm thước đo nên họ chỉ chú trọng rating, quảng cáo, dẫn tới thả nổi.

Qua những gì thấy được trên TV, có cảm nhận rằng gameshow không cần kịch bản chi tiết như kịch bản phim. “Kịch bản” có chăng chỉ là cái sườn tổng quát, tất cả nội dung chi tiết đều thả nổi để diễn viên tự làm, tự nói, tự “phăng”, tự phát triển. Nhưng những điều diễn viên nói ra có lại được “hiệu ứng” tiếng cười đối với tầng lớp nào đó, nên diễn viên cứ thừa thắng xông lên khiến tiếng cười ngày càng bị lạm dụng, quá đà, mất thẩm mỹ.


Nghệ sỹ Xuân Hương.
 

Do không kiểm soát nên nội dung chương trình trở thành sự sáng tạo vô ý thức, các gameshow thì vô bổ. Những người chấm được mời mọc quá nhiều, cát xê quá lớn, cộng với việc không có sự kiểm soát từ các cá nhân và các cơ quan chức năng nên người ta không nghĩ phải giữ tiếng tăm thông qua tác phẩm, diễn xuất và phát ngôn trước khán giả.

Trong khi lẽ ra tất cả hành động trước khán giả phải hướng tới đóng góp cho nghề, cho khán giả, giữ vững chức năng của nghệ thuật đồng thời giữ được hình ảnh của nghệ sĩ. Có nghĩa những lời nói ra phải nằm trong kiến thức về chuyên môn, đòi hỏi người phát ngôn (giám khảo) phải có kiến thức nhất định, có nền tảng văn hoá chứ không thể phát ngôn một cách vô ý thức. Không phải bất cứ lời nói nào giữa cá nhân với nhau mà gây được tiếng cười cũng có thể đem ra nói trước công chúng. Hai điều này đang bị nhập nhằng trên các gameshow, nên mỗi khi có người nào đó bị nhắc nhở thì những cá nhân liên quan thường biện minh bằng những lý do rất không thuyết phục. Nghệ sỹ phải hạn chế tối đa sơ suất không đáng có. “Nhân vô thập toàn” nhưng đừng dùng câu đó để biện minh một chuỗi sai lầm.

Nhiều người làm giám khảo gameshow nói năng không kém Trấn Thành nhưng chỉ mình Trấn Thành bị đem ra làm con tốt thí? Tôi thấy cũng thấy hơi bất công. Tôi không phủ nhận Trấn Thành là MC có năng lực. Rất tiếc hào quang đã không kềm bước được cho những sai lầm không đáng có về sau.

Đài Vĩnh Long có động thái từ chối Trấn Thành với lí do như lời giám đốc  “tiêu chí hài sạch, nhân văn”. Tôi nghĩ điều đó đúng về mặt lý thuyết nhưng thực tế nhiều gameshow của đài này cũng nhảm nhí. Lời nói nên đi đôi với hành động.

Dù sao đi nữa yêu cầu cắt hợp đồng với Trấn Thành cũng là động thái tiên phong, mang tính làm gương, các đài khác cần học tập. Sóng truyền hình là bộ mặt quốc gia dù là đài địa phương hay trung ương. Vì thông qua đó người nước ngoài, đại sứ quán các nước nhìn vào thấy trình độ và tâm hồn của cả dân tộc. Hài nhảm, hài tục đem đến cái gì? Chẳng lẽ cho thấy tâm hồn người Việt Nam, tính cách người Việt Nam là ăn tục nói phét? Không riêng các đài truyền hình, các nhà sản xuất mà các diễn viên tham gia trong bất cứ chương trình nào cũng buộc phải nghĩ tới chuyện lớn-không những giữ danh tiếng của mình mà còn giữ thể diện cho đất nước.

Nhiều đài, ngay cả đài quốc gia đáng lẽ phải làm gương nhưng lâu nay họ dung túng hài nhảm, hài nhây, hài tục. Mở gameshow ra là thấy giả gái. Những õng ẹo đó nói lên điều gì? Trong nghệ thuật, làm cái gì cũng phải có lí do. Một thời gian dài hài nhảm mặc nhiên được giao cho diễn viên tự phăng, những người hoạt động chân chính và có tài thực sự chán nản. Do không chấp nhận thoả hiệp với tác phẩm vô bổ cùng với sự đối xử có phần bất công và kém lịch sự, họ lui về ở ẩn.

Việc siết các chương trình nhảm hay thanh lọc sóng truyền hình trong tình trạng hiện nay rất khó vì hầu như tất cả đã thành thói quen. Nhưng nếu các đài và nhà sản xuất có chút tình đối với đất nước, đối với nghệ thuật, nhận thức được tác động khôn lường đối với công chúng, nếu họ có quyết tâm cũng như biết sử dụng nhân tài và người có tâm với nghệ thuật, thì vẫn làm được.

NSND Đoàn Dũng: Truyền hình không chuẩn mực sẽ gây hệ lụy

Trong những lần được mời ra Hà Nội họp, được mời gặp Chủ tịch nước, một trong những điều tôi trình bày là vấn đề của nhà đài. Chương trình hiện nay vi phạm rất nhiều nguyên tắc, hạ thấp thẩm mỹ của khán giả, thậm chí có chương trình làm tha hoá nhân cách thanh niên. Không coi trọng văn hoá nghệ thuật thì hệ luỵ khôn lường.

 

NSND Đoàn Dũng.
 

Mấy chục năm nay chúng ta dung dưỡng những chương trình lộn xộn, không có chủ đề tư tưởng rõ ràng, trong sáng và đẹp đẽ, mà chạy đua theo tiếng cười rẻ tiền, vô bổ, phản cảm. Tôi nói rất nhiều lần về điều này.

Đài truyền hình Vĩnh Long mạnh dạn nói không với Trấn Thành khiến tôi rất mừng. Đây là bài học cho nhiều nghệ sỹ chạy đua theo lối làm việc không hiểu biết sâu sắc mà chỉ đơn thuần kiếm tiền nhờ mua vui. Tôi vẫn ghi nhận Trấn Thành là người hoạt ngôn, nhạy cảm nhưng nhiều khi lộng ngôn lắm. Cuộc đời có lúc này lúc khác, hy vọng không riêng Trấn Thành mà nhiều diễn viên trẻ có thái độ và lời nói không phù hợp thận trọng hơn, nhất là khi xuất hiện trên truyền hình. Truyền hình phủ sóng cả nước, đi vào hang cùng ngõ hẻm, nếu không chuẩn mực sẽ gây hệ luỵ phức tạp. Hệ lụy này không phải một chiều mà nó thấm dần, đến lúc nào đó ngã ngửa ra thì hệ quả khó lường.

Nhiều người không đủ tư cách vẫn ngồi vào ghế giám khảo trong nhiều chương trình. Khi phát biểu họ không chỉ nói trước thí sinh mà trước hàng triệu người nên phải có trách nhiệm, nói phải đúng. Ban giám khảo đôi khi thọc lét nhau để gây cười, có vui nhưng đừng 
làm quá.

Một trong những bất cập nữa là nhiều chương trình dành cho thiếu nhi chưa phù hợp. Các cháu tranh tài rất đẹp, hay nhưng giám khảo không nên nống các cháu quá khiến chúng ngộ nhận. Đến lúc không được đi tiếp chúng khóc nức nở, thương lắm. Trẻ con chưa đủ trình độ chịu đựng thất bại, chưa đủ nhận thức cái gì đẹp- xấu, đúng-sai nên chúng ta phải tính toán kỹ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh