THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:55

Lo lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, địa phương đề nghị xử lý nghiêm

Nhiều lao động còn cư trú bất hợp pháp

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 4.560 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 45,6 % kế hoạch và bằng 101,1% so với cùng kỳ năm 2016). Thị trường tập trung chủ yếu ở các nước: Đài Loan: 1.050 người, Hàn Quốc: 555 người; Nhật Bản: 700 người; Ả rập xê út: 950 người,....

Những địa phương đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Yên Định: 355 người, Đông Sơn: 295 người; Hoằng Hóa: 282 người, Hậu Lộc: 257 người; Thiệu Hóa: 235 người; Quảng Xương: 221 người... Bên cạnh đó, một số huyện miền núi đã triển khai có hiệu quả công tác này như: huyện Cẩm Thủy: 324 người, Như Xuân:  144 người; Thường Xuân: 118 người; Bá Thước: 48 người…

Thân nhân, người lao động, các doanh nghiệp tham gia tại Hội nghị tuyên truyền XKLĐ năm 2017

Hiện Thanh Hóa có 5.351 lao động xuất cảnh theo Chương trình EPS, đứng 2 hai cả nước, sau Nghệ An. Những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chi phí thấp, mức thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều lao động người Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang làm việc tại Hàn Quốc tự ý đổi chỗ làm, không về nước đúng hạn hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, khiến nhiều lao động khác mất quyền lợi khi có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc.

So với 2016, năm 2017 tỉnh Thanh Hóa có 2 huyện ra khỏi danh sách các huyện bị tạm dừng tuyển chọn đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc vì đã nỗ lực để giảm được số lượng lao động cư trú bất hợp pháp và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước xuống mức quy định. Tuy nhiên, trong năm 2017 lại có 2 huyện mới bổ sung vào danh sách này và số lượng lao động bất hợp pháp và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước gia tăng là Triệu Sơn và Nga Sơn.

Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Ông Đào Hồng Quang, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thiệu Hóa cho biết: Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp tham gia XKLĐ phải có đủ điều kiện tuyển dụng lao động, có chương trình tư vấn, tuyên truyền cho lao động đảm bảo đúng với cam kết ban đầu, tránh tình trạng tư vấn khác với khi làm thủ tục xuất cảnh. Riêng đối với lao động tại thị trường Hàn Quốc, năm 2016 Thiệu Hóa là huyện bị tạm dừng tuyển lao động theo chương trình EPS, ngay sau khi có thông báo, ban chỉ đạo XKLĐ của huyện đã cử các thành viên tới từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động gia đình kêu gọi con em về nước.

Đến thời điểm hiện tại Thiệu Hóa vẫn còn 23 lao động cư trú bất hợp pháp. Năm 2017, qua việc ký lại chương trình EPS, huyện Thiệu Hóa đã có gần 50 lao động tham gia trúng tuyển. Địa phương cũng rất mong muốn Bộ LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc có biện pháp xử lý nghiêm, quản lý chặt chẽ chủ sử dụng lao động và người lao động tại Hàn Quốc

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết thêm: Công tác XKLĐ là một trong những mục tiêu giúp giảm nghèo bền vững tại địa phương, các mục tiêu này đã được Ban chỉ đạo XKLĐ triển khai tới tận địa bàn các thôn, xã trong huyện. Riêng đối Công ty CP Du lịch IIG yêu cầu khá ngặt nghèo trong việc tuyển chọn lao động đi Nhật, phần lớn lao động địa phương là lao động nghèo, việc đặt cọc một số tiền lớn với lao động để xuất cảnh gây khó khăn lớn cho người lao động. Do đó, cũng mong muốn Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cần có biện pháp hỗ trợ thêm cho người lao động.

Bên cạnh đó, phối hợp với các nước có lao động Việt Nam tham gia, đặc biệt là Hàn Quốc, rà soát lại số lao động kết hôn với người Hàn Quốc, xử lý nghiêm những trường hợp lao động hết hạn cư trú bất hợp pháp, tạo cơ hội cho những lao động khác trong tỉnh có nguyện vọng, đủ điều kiện được tham gia XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc.

ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh