THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:24

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Ngày 10/8/1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ dùng máy bay thực hiện các đợt rải chất độc hóa học xuống miền Nam. Trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng.

 Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ

Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ

Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc. Không chỉ môi trường và hệ sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng mà hàng triệu đồng chí, đồng bào đã trở thành nạn nhân của chất độc này trong suốt 60 năm qua.

Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Thanh Hóa là thành viên của Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam, được thành lập ngày 1/6/2006. Khắc phục mọi khó khăn, tổ chức Hội đã chủ động xây dựng được mối liên hệ thường xuyên, gắn bó với Trung ương Hội, với các cấp ủy Đảng, chính quyền và NNCĐDC trong tỉnh.

Trải qua 15 năm hoạt động, xây dựng, đến nay tổ chức Hội đã được thành lập ở 26 huyện, thị, thành phố; 490 xã, phường, thị trấn; 1.000 chi hội với 14.1200 nạn nhân da cam đăng ký là hội viên và 5.020 hội viên danh dự.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 23.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Đến nay, tỉnh đã xác nhận trên 19.200 người là nạn nhân da cam…

Trong suốt thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa đã vận động xây dựng 180 nhà tình nghĩa trị giá 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 300 hộ nạn nhân da cam; 500 nạn nhân được cung cấp xe lăn, xe bại não; 2.900 nạn nhân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; 13.750 lượt nạn nhân được thăm hỏi, tặng quà từ các nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm; 100% hộ nạn nhân thuộc đối tượng người có công không còn phải ở nhà tranh tre dột nát.

Ghi nhận sự nỗ lực của các cấp hội NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam và ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị trong thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để các cấp hội, hội viên, nạn nhân và Nhân dân trong tỉnh thấu hiểu hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; tích cực vận động toàn dân hưởng ứng phong trào “Hành động vì NNCĐDC“; tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Chăm lo, xây dựng hệ thống tổ chức Hội, phát triển hội viên, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều lệ Hội và quy chế làm việc của các cấp hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” để từng bước chia sẻ, giúp đỡ NNDC giảm bớt khó khăn, đau đớn và vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể là Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Thanh Hóa và Hội NNCĐDC/Dioxin TP Thanh Hóa và cá nhân ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam.

Nhân dịp này, 17 tập thể, 27 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhiều tập thể, cá nhân được nhận Giấy khen của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại buổi lễ, Trung ương Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng 20 suất quà cho các NNCĐDC vượt khó, vươn lên.

MỘC MIÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh