THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Thanh Hoá: Tạo sự đột phá trong công tác người có công và giảm nghèo

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thanh Hoá: Tạo sự đột phá trong công tác người có công và giảm nghèo - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia họp trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hóa

Năm 2019 dù còn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, giám sát của Quốc hội và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ưu tiên đã đề ra trong chương trình công tác năm 2019. 

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp với nhiều giải pháp đột phá, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tại Thanh Hóa, các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội nói chung và lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, những kết quả nổi bật về lĩnh vực lao động, người có công của tỉnh Thanh Hoá trong năm 2019 là: Tạo được bước phát triển đột phá về công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng thị trường xuất khẩu lao động. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng cao, việc gắn kết doanh nghiệp với hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tăng cường; tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tích cao tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm quốc gia.

Chất lượng các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người có công với cách mạng được cải thiện; mức độ hài lòng của người có công về thái độ phục vụ của cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được nâng cao; tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp ưu đãi thông qua hệ thống bưu điện, số hoá hồ sơ người có công.

Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, thiết thực được triển khai, nhân rộng. Công tác cứu trợ đột xuất cho Nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt được thực hiện kịp thời, huy động được sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Trong năm 2019, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, giúp tạo việc làm với thu nhập cao cho người lao động. Toàn tỉnh đã có 69.622 lao động được giải quyết việc làm mới, trong đó: Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 10.309 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 3,2% và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 6,2%.

Theo kết quả rà soát năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 22.259 hộ nghèo, tương ứng giảm 2,57% so với năm 2018, xuống còn 32.230 hộ, chiếm tỷ lệ 3,27%, vượt 0,07% so với kế hoạch đề ra. Các hoạt động cứu trợ xã hội và chăm lo đời sống của Nhân dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng người dân bị đói khát hoặc không có nơi cư trú.

Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", thi đua chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng được phát động mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 99% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác lao động, người có công và xã hội trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài trong khối doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội không còn khả năng thanh toán hoặc đã phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích nên việc giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động tại những doanh nghiệp này không thực hiện được.

Thanh Hoá: Tạo sự đột phá trong công tác người có công và giảm nghèo - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo huyện Như Xuân thăm mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân

Kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020. Cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn; tiếp tục quan tâm công tác bình đẳng giới; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

"Trước mắt còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách chăm lo Tết cho gia đình chính sách, đối tượng xã hội và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đem đến một cái tết vui tươi, lành mạnh cho mọi người, mọi nhà" – Phó chủ tịch Phạm Đăng Quyền nhấn mạnh.

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh