THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:03

Thanh Hoá: Nhiều đột phá trong lĩnh vực lao động, NCC và xã hội

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã có những bước đột phá về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và đã vượt kế hoạch đề ra như: Chỉ tiêu đào tạo nghề, chỉ tiêu giải quyết việc làm, chỉ tiêu giảm nghèo. Các hoạt động cứu trợ xã hội và chăm lo đời sống của đối tượng chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. 

Tạo việc làm mới cho 68.803 lao động

Nổi bật là công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và kết nối giải quyết việc làm; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Các cá nhân và tập thể nhận bằng khen tại hội nghị

Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung ứng lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động.

Năm 2018, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 68.803 lao động, (trong đó: Đưa đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài là 10.020 người), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 3,5% năm 2017 xuống còn 3,3%, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn từ 6,4% năm 2017 xuống còn 6,3%; Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh là 40% .

Công tác đào tạo nghề cho lao động cũng được các cấp, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tổ chức đào tạo nghề cho 79.116 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 61,07% năm 2017 lên 64,2% năm 2018. Toàn tỉnh hiện có 9.114 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và có 346.379 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 21,39% trên tổng lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tại tỉnh và 285.975 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp được duy trì ổn định và cải thiện tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, góp phần ổn định thu nhập và đời sống của người lao động.

Nâng cao chất lượng chăm sóc người có công 

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá Trịnh Ngọc Dũng cho biết: “Năm 2018, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết chế độ, chính sách mới cho 2.945 NCC; thực hiện chính sách ưu đãi cho 5.673 thân nhân liệt sĩ, tuất thương, bệnh binh, chế độ mai táng phí, trợ cấp ưu đãi học sinh, sinh viên v.v…; tiếp nhận, giải quyết cấp lại thẻ TB, BB, LS và di chuyển hồ sơ NCC cho 999 trường hợp; trình Bộ LĐ-TB&XH cấp, đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 1.560 trường hợp; bàn giao 2.347 Bằng Tổ quốc ghi công để các địa phương trao tặng cho các gia đình liệt sĩ; thẩm định, chuyển 3.919 hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Huân chương độc lập, cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công và giám định CĐHH”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền phát biểu tại hội nghị

 

Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt là đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp hằng tháng cho trên 78.000 NCC; chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên cho 220 NCC và tổ chức điều dưỡng luân phiên cho 24.400 NCC tại gia đình và các cơ sở điều dưỡng. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây mới 11.704 nhà và sửa chữa, nâng cấp 13.453 nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, đã thực hiện tốt việc quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền quỹ gần 17,8 tỷ đồng, trong đó: Đã hỗ trợ xây mới 245 nhà, sửa chữa 472 nhà ở cho người có công với cách mạng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 98,8% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác người có công với cách mạng”.

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Năm 2018, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo kết quả rà soát năm 2018, toàn tỉnh đã có 28.688 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 2,59% (từ 8,43% xuống còn 5,84%), vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác đảm bảo đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời với trên 204.000 đối tượng và hộ gia đình được hưởng trợ cấp, trợ giúp thường xuyên hằng tháng. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn 4,8%.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 89,6%. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ phụ nữ được tạo việc làm đạt 58,13% (vượt 20,4% kế hoạch đề ra), tỷ lệ phụ nữ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đạt 100%. Tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh được hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 181/635 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, đạt tỷ lệ 28,5%.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Trịnh Ngọc Dũng phát biểu tại hội nghị

 

Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và giải quyết đơn, thư của công dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời nhằm chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của tổ chức và công dân. Trong năm, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 60 doanh nghiệp, tiến hành xử phạt 07 doanh nghiệp vi phạm, với số tiền gần 450 triệu đồng. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật 70 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đến nay, không có đơn thư tồn đọng, không có khiếu kiện kéo dài.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Phạm Đăng Quyền đã biểu dương ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2018 và đồng thời chia sẻ những khó khăn của ngành trong một năm qua cùng với những khó khăn của tỉnh trong những vùng nghèo, vùng khó khan, vùng bị ảnh hưởng thiên tai. “Trong những năm tới, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá cần quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc NCC, XĐGN, GQVL, về công tác XKLĐ… đã tốt cần phải tốt hơn nữa. Đặc biệt là về công tác tham mưu cho tỉnh, cụ thể hoá công việc, định hướng công tác trong những năm tiếp theo. Vì ngành đặc thù, nên khi giải quyết công việc có nhiều vấn đề nhạy cảm, cần giải quyết có lý, có tình và trên cơ sở pháp lệnh, pháp luật, nên cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để giải quyết tốt nhất các lĩnh vực lao động, NCC &XH”-ông Quyền nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2019, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lao động người có công và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp; huy động đa dạng các nguồn lực để chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách về giải quyết việc làm, phấn đấu giải quyết việc làm cho 68.000 lao động. Đẩy mạnh thực hiện việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phấn đấu tuyển mới đào tạo nghề cho 81.540 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67% . Thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo chế độ chính sách cho 100% người có công, có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh