CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:54

Thanh Hoá: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro về TNLĐ

Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 diễn ra từ ngày 1 đến 31/5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ. Qua đó đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe người lao động.

Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa năm 2022

Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa năm 2022

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 18.000 doanh nghiệp và gần 1.000 hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động. Cùng với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, công tác ATVSLĐ đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng. Gần 1.000 doanh nghiệp đã thành lập được bộ phận ATVSLĐ, Hội đồng ATVSLĐ và bố trí cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật môi trường vệ sinh lao động. Nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động đảm bảo ATVSLĐ được áp dụng thực hiện.

Trong năm 2021, Thanh Hóa đã có hơn 62.000 máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đã được kiểm định và khai báo theo đúng quy định của pháp luật; 93.000 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đã được cấp phát; các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 100.000 người lao động, người sử dụng lao động và người làm công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho 122.168 người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 16.621 người lao động; quan trắc môi trường lao động cho 227 cơ sở lao động...

Năm 2021, Thanh Hóa đã xảy ra 31 vụ tai nạn lao động tại các doanh nghiệp làm 30 người chết và 5 người bị thương nặng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (xảy ra 18 vụ TNLĐ làm 12 người chết và 6 người bị thương nặng).

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng TNLĐ, BNN, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị Quyết số 210/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 27/1/2022 triển khai thực hiện chương trình ATVSLĐ với mục tiêu: Hàng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người; 100% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ ở các huyện, thị xã, thành phố. 100% người làm công tác ATVSLĐ ở xã, phường, thị trấn được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ; 100% người làm công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại được hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ; 100% an toàn, vệ sinh viên được huấn luyện, bảo đảm được tiếp cận thông tin về phương pháp kỹ năng hoạt động; 90% trở lên số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện ATVSLĐ; 60% trở lên người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được cập nhật, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ; 100%  người bị TNLĐ, BNN được sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng; 100% số vụ TNLĐ được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương, Sở, ban, ngành triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật ATVSLĐ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và biện pháp ATVSLĐ, chú trọng một số ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ cao. Thực hiện nghiêm các quy định về huấn luyện ATVSLĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Yêu cầu người sử dụng lao động cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các qui định, chế độ về bảo hộ lao động cho người lao động theo qui định như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi... tổ chức các hoạt động huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó đề cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của các Sở, ban, ngành, địa phương; Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ...”- ông Tùng cho nói.

MỘC MIÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh