Thanh Hóa: Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2025, định hướng 2030
- Huyệt vị
- 04:19 - 15/02/2017
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 có tổng số 57 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích đất là 1.646,79 ha. Trong đó, vùng đồng bằng 27 cụm, vùng ven biển 13 cụm, vùng miền núi 17 cụm. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các địa phương đã có nhiều biến đổi, do có một số CCN theo quy hoạch đã không còn phù hợp với thực tiễn. Để phù hợp với thực tế và sự phát triển của các CCN trong tương lai, tỉnh Thanh Hóa đã cho nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch phát triển lại các CCN.
Các đại hiểu tham dự tại hội nghị
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển, nhằm khai thác và sử dụng đất có hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn; đồng thời thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển CCN gắn với phát huy lợi thế từng vùng, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, ổn định dân cư khu vực nông thôn; ưu tiên phát triển CCN có quy mô hợp lý nhằm khai thác có hiệu quả trong việc sử dụng hạ tầng dùng chung, phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại khu vực nông thôn; phát triển CCN liên kết với khu kinh tế, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế và gắn với dịch vụ thương mại, thuận lợi về các hạ tầng kỹ thuật.
Theo đó, sau khi nghiên cứu, khảo sát thực địa các vị trí và làm việc với các địa phương, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thực hiện quy hoạch 68 CCN, với tổng diện tích 2.043,5 ha. Trong đó, giữ nguyên và mở rộng quy hoạch của 49/57 CCN cũ; bổ sung quy hoạch 19 CCN mới.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được các thành viên trong hội đồng thẩm định thảo luận, xem xét, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như quy hoạch CNN phải gắn liền với tình hình thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giải quyết vấn đề lao động và chuyển dịch cơ cấu việc làm tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, cần di rời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư ra cụm công nghiệp.
Phải quy hoạch quỹ đất để hình thành các khu dân cư và khu đô thị mới bên cạnh các CNN được hình thành; đồng thời rà soát lại các điểm quy hoạch CNN mới phải gắn liền với hạ tầng công cộng để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư và hình thành nên các khu dân cư, đô thị mới.
Vị trí quy hoạch cố gắng tận dụng các diện tích đất khó khai thác về nông nghiệp và hạn chế tối đa việc hình thành trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong quá trình thu hút đầu tư vào CCN, ưu tiên ngành nghề tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhưng không gây tác động xấu đến môi trường...