THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:41

Thanh Hóa: Nhiều tàu vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng

 

Một trong số những tàu cá vỏ thép của ngư dân phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn được hạ thủy ngày 7/1


Ông Lê Văn Lực trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa chủ tàu mang số hiệu TH-91709 TS, có công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương, có địa chỉ tại tỉnh Nam Định đóng cho biết: Tàu của ông được đóng mới, hạ thủy đưa vào sử dụng bắt đầu từ tháng 12/2016. Tuy mới chỉ đi vào hoạt động một thời gian ngắn nhưng con tàu liên tục gặp sự cố.

Cũng theo ông Lực, trong 10 chuyến ra khơi thì có tới 5 chuyến con tàu bị bục dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu, hệ thống cẩu tời bị trục trặc thường xuyên.

Dù chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn nhưng tàu của ông Lực liên tục gặp sự cố


Cũng giống trường hợp ông Lực, ông Nguyễn Duy Muộn chủ tàu TH-93968 TS có công suất 829 CV, trú ở phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn cho biết:

Sau khi con tàu được bàn giao cho gia đình ông đưa vào khai thác, sản xuất hồi tháng 10/2016, ngay trong chuyến tàu ra khơi đầu tiên đã gặp sự cố.

“Khi vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng, không thể đánh bắt nên phải đưa tàu vào xưởng sửa chữa ở Thái Bình hết 10 ngày. Chuyến thứ 2 được 2 ngày thì máy phát điện chính bị hỏng, tàu lại phải đưa về bến ở cảng Hới (TP Sầm Sơn) sửa chữa. Trong gần 10 chuyến sau đó tàu cũng liên tục gặp trục trặc tương tự…”.

Sự cố của tàu khiến ông Nguyễn Duy Muộn vẫn chưa thể trở lại biển để khai thác


Hoạt động không hiệu quả, trong khi đó số tiền 17 tỷ đồng vay ngân hàng, hàng tháng ông Muộn vẫn phải trả đều. Thêm vào đó tiền chi phí nhân công, tiền sửa chữa liên tục tăng. Chẳng còn cách nào khác, mới đây, ông Muộn đã phải tổng hợp những hư hỏng của tàu gửi các cơ quan chức năng cầu cứu.

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện nay tại Thanh Hóa, có 47 tàu được đóng theo Nghị định 67, đã có 46 tàu đã cho đi vào khai thác, hoạt động trong đó có 23 tàu vỏ sắt, 23 tàu vỏ gỗ.

Trao đổi về vấn đề này, ông ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết:

“Ngay khi nắm bắt sự việc, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời tiến hành lập đoàn đi kiểm tra thực tế hư hỏng ở các tàu vỏ sắt. Qua kiểm tra phát hiện một số tàu có trục trặc về máy phát điện, máy tời, sào mành, máy cẩu... Cơ bản chủ các tàu đã khắc phục sự cố và cho đi khai thác. Riêng trường hợp tàu của gia đình ông Nguyễn Duy Muộn, hiện tại đã cho khắc phục máy phát điện và chờ ngày đi khai thác.

Ông Cường cũng nhấn mạnh: “Việc đóng tàu là hợp đồng giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu với nhau, các cơ sở đóng tàu sẽ căn cứ hợp đồng để thực hiện. Để đánh giá tàu bị hư hỏng do nguyên nhân nào cần có cơ quan chuyên môn đánh giá, thẩm định để xác định nguyên nhân một cách chính xác nhất”.

Ông Cường chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã thông báo cho các ngư dân có tàu vỏ thép, nếu tàu có hư hỏng thì làm báo cáo gửi chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, sau đó Sở sẽ báo cáo lên tỉnh và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngư dân...”.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh