CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mất việc trở về từ vùng dịch

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đáp ứng chưa tới 1/5 nhu cầu. Chính vì thế, người dân phải di chuyển đi các địa phương khác tìm kế sinh nhai.

Trong số này, hàng trăm nghìn lao động phải đi làm ăn xa, làm nghề tự do, làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã thống kê, số lao động đang làm việc tại TP Hà Nội khoảng 77.500 người, TP. Hồ Chí Minh 43.000 người, Bình Dương 48.000 người, Bắc Ninh 25.000 người, Đồng Nai 12.500 người...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 166.300 công dân trở về từ vùng dịch, trong đó khoảng 44.480 người có nhu cầu việc làm và học nghề trong các ngành nghề như: May mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng… Trong khi đó, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 33.300 lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn), số lao động trở về từ vùng dịch sẽ là nguồn lực quan trọng bổ sung nguồn lao động còn thiều hụt của địa phương.

Khảo sát tại huyện huyện Hà Trung, 2.164 lao động từ tỉnh ngoài phải ngừng việc trở về địa phương do dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 2.355 người.

Còn Huyện Hậu Lộc có 4.456 lao động từ tỉnh ngoài trở về quê. Công ty trên địa bàn đang cần tuyển 3.000 lao động (trong đó, Công ty NY Hoa Việt đang có nhu cầu tuyển dụng 2.000 lao động, Công ty AVORY có nhu cầu tuyển dụng 200 lao động, Công ty BTM có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động)...

Chị Lê Thị Phương (trú tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa) là công nhân may mất việc làm trở về từ tỉnh Bình Dương cho hay: "Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi, trở về quê đã hơn 2 tháng nay tôi bị thất nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hy vọng thời gian tới, tôi sẽ xin được việc làm để trang trải cuộc sống. Rất mong chính quyền quan tâm để những lao động mất việc như tôi sớm tìm được việc làm."

Để tạo việc làm cho số lao động trở về từ các vùng dịch, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương thống kê, phân loại người lao động có nhu cầu việc làm, học nghề, vay vốn tự tạo việc làm. Từng bước giảm và xóa bỏ lao động tự do, chưa qua đào tạo. Cùng với đó, sẽ kết nối với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, vị trí cụ thể để đào tạo có hiệu quả, phù hợp. Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là khoảng 50.000 người với yêu cầu trình độ tay nghề không quá cao, thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Để công tác giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mất việc làm trở về từ các vùng dịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết việc làm cho người dân. Trong đó tập trung tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động; Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch; Ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động cho người lao động trở về từ vùng dịch… phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, giúp người lao động trở về từ vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, hiện các ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người lao động ở vùng dịch yên tâm ở lại. Động viên người dân tiếp tục làm việc tại nơi sản xuất cũ trong tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và khi doanh nghiệp ở các thành phố lớn trở lại hoạt động. Những lao động từ vùng dịch bị mất việc đã trở về quê, chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động. Kết nối các đơn vị để lao động tìm được công việc phù hợp. Ưu tiên những người trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - xã hội để tự tạo việc làm. Giải được bài toán sinh kế chính là sự căn cơ cho ổn định, phát triển trong ngắn và dài hạn.

Hoàng Minh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh