THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:56

Thanh Hoá: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động miền núi

  Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động  

Trong nhiều năm qua, trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa luôn xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường là nhiệm vụ hàng đầu, những năm gần đây, Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho học sinh.

Trong năm qua, nề nếp, kỷ cương trường học được giữ vững; chất lượng đào tạo nghề và giáo dục văn hóa được nâng lên. Năm học 2021-2022 có 1.044 học sinh, có 287 học sinh, có 315 học sinh tốt nghiệp trung cấp. Có 287 học sinh khối 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của nhà trường được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đầu tư trọng điểm các nghề ở cấp độ quốc gia, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho hoạt động đào tạo của Trường. Nhà trường hiện có 30 phòng học lý thuyết và 02 khu nhà xưởng thực hành, các lớp học văn hoá đều gắn với các lớp trung cấp nghề. 

  Đào tạo nghề cho học sinh tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hoá

Đào tạo nghề cho học sinh tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hoá

Đến nay, Trường đã được đầu tư xây dựng hạng mục mở rộng khu nội trú cho học sinh, đến nay đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần đáp ứng cho khoảng 1.000 học sinh ở nội trú. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường cũng luôn được duy trì và phát triển. Các thầy giáo, cô giáo luôn cố gắng trong công tác giáo dục, đào tạo học sinh; nhiệt tình, tâm huyết với nghề và tận tâm vì học sinh. Hiện nay, trường đã và đang hợp tác hiệu quả với các công ty, cụ thể: nghề Hàn: Công ty TNHH Hồng Phát ở khu công nghiệp Tây bắc Ga;  nghề Thú y: Công ty TNHH dịch vụ và chăn nuôi NEWHOPE Thanh Hóa ở xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành; nghề May thời trang: Công ty cổ phần Phú Khang tại TP Hưng Yên và Công ty may Tinh Lợi ở TP Hải Dương…

Hiện nay có gần 200 học sinh trung cấp năm cuối đang thực tập tại các công ty này, điều kiện thực tập sản xuất tại các công ty rất tốt, phù hợp và đúng nghề các em được đào tạo, học sinh thực tập được các công ty hỗ trợ nơi ăn ở, hỗ trợ tiền sinh hoạt từ 4-6 triệu/1 tháng; ra trường các em được công ty ưu tiên tuyển dụng vào làm việc. Trong những năm qua, trường thường xuyên gắn kết với Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn, giới thiệu việc việc làm trực tiếp cho học sinh, giúp các em có cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Hiệu trưởng Phạm Yên Trường cho biết: “Trong những năm qua, trường TC nghề miền núi Thanh Hoá đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động qua học nghề: Việc giải quyết tốt đầu ra sau đào tạo chính là động lực thúc đẩy công tác tuyển sinh và đào tạo, vì vậy nhà trường phải luôn coi trọng việc hợp tác bền vững với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác, đào tạo nghề sát với nhu cầu địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; không ngừng nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; thường xuyên cập nhật, bổ sung kỹ thuật công nghệ mới vào chương trình, giáo trình đào tạo với mục tiêu khi học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ đáp ứng được thị trường lao động. Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đào tạo, sử dụng lao động qua học nghề”. 

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lao động miền núi trong đào tạo nghề

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Lao động khu vực miền núi ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp nói chung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù như: Chính sách hỗ trợ học bổng, các khoản kinh phí mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng đối với lao động nông thôn, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…"

Tổ chức các cuộc hội thảo hướng nghiệp cho học sinh

Tổ chức các cuộc hội thảo hướng nghiệp cho học sinh

"Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá sẽ tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy nghề; đồng thời, đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp dạy nghề phù hợp cho lao động theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực, tăng cường tính chủ động, tích cực của người học nghề. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và điều kiện của người học nghề. Bên cạnh đó, cần tăng quy mô đào tạo gắn với đầu tư cho các trường nghề dân tộc nội trú; đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động để bảo đảm cho học viên dân tộc thiểu số có việc làm sau khi tham gia các khóa học nghề” - ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm.

“Ngoài ra, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong hoạt động dạy nghề; thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thiết bị dạy nghề được đầu tư, xây dựng các phương án đảm bảo sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả của tỉnh, nhiều lao động của các huyện miền núi được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trong đó có nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo. Cơ cấu lao động của các huyện miền núi có sự chuyển biến tích cực giảm dần tỷ trọng lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng ngành nghề dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các huyện miền núi trong tỉnh” –  Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, Trường TCN miền núi Thanh Hoád trong thời gian qua đã đào tạo hàng ngàn công nhân có trình độ trung, sơ cấp nghề, trong đó có cả nghề chất lượng cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần giúp các huyện miền núi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá. 

Qua đó, đã có hàng nghìn lao động nông thôn có tay nghề, góp phần nâng cao thu nhập và là nguồn cung cấp lao động có chất lượng cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết, HS của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định tại các công ty và mở các xưởng sản xuất cơ khí tại gia đình.

Trong thời gian tới, Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa tiếp tục đầu tư nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhà xưởng hiện đại; nhân rộng mô hình “Nhà trường kết hợp với doanh nghiệp vừa đào tạo, vừa sản xuất”... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người dân khu vực miền núi, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay. 

    

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh