CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:26

Thanh Hóa: Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước hệ thống các sông trên địa bàn.

Theo báo cáo, từ ngày 15/3 đến 20/4/2021, trên sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước, Cẩm Thủy đã xảy ra tình trạng cá tự nhiên, cá nuôi lồng bị chết hàng loạt, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của Nhân dân. Xác định sự việc có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành phát luật về đất đai, tài nguyên nước vào bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản và tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang chủ trì Hội nghị.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 28/4 đến ngày 9/6/2021, Đoàn thanh tra đã phối hợp với UBND các huyện: Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và TP Thanh Hóa triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với 17 cơ sở sản xuất giấy, bột giấy và 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn các huyện.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã chỉ đạo, giao UBND 11 huyện miền núi chủ trì, phối hợp với Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật đối với cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hệ thống các sông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Qua quá trình thanh tra tại các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất bột giấy, vàng mã trên địa bàn các huyện cho thấy các cơ sở đều có các hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau. Căn cứ vào kết quả thanh tra, báo cáo, hồ sơ đề nghị xử phạt của Đoàn thanh tra và UBND các huyện, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường và 11 quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, với tổng số tiền xử phạt là hơn 2,3 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Đình chỉ đình chỉ hoạt động sản xuất giấy vàng mã và bột giấy của Công ty TNHH Tân Thái Thanh tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) từ ngày 16/4/2021

Phó Chủ tịch Lê Đức Giang ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn thanh tra và UBND các huyện trong việc thanh tra, xử lý các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định phát luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

 "Việc xử phạt các cơ sở vi phạm các quy định là cần thiết. Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần chú trọng đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng và các ngành, nghề khác nói chung. Các doanh nghiệp bị xử phạt trong đợt này cần nghiêm túc khắc phục các sai phạm, nhất là chú trọng đầu tư xây dựng, đổi mới công nghệ hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các ngành nghề sản xuất khác không gây ô nhiễm môi trường; có phương án chuyển đổi địa điểm sản xuất tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch phát triển của các địa phương. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường thì kiên quyết dừng hoạt động"  - Phó Chủ tịch Lê Đức Giang chỉ đạo quyết liệt.

"Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các huyện xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật trong vòng 1 tháng đối với các công trình vi phạm quy định về đất đai; đôn đốc các cơ sở vi phạm hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường hoàn thiện hồ sơ để tỉnh xem xét cho hoạt động trở lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư tuyệt đối không chấp thuận đầu tư cho cơ sở ngâm ủ bột giấy, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp chấp thuận cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản cần phải có văn bản của Sở Khoa học và Công nghệ về vấn đề công nghệ.Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện tìm đầu ra cho nông sản; đồng thời quy hoạch lại việc nuôi cá lồng trên hệ thống các sông.

Các huyện cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông, quản lý hành lang kênh mương… Trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án cần lưu lý đến các khu vực không được phép xây dựng. Bám sát quy hoạch khu công nghiệp để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân" - Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh