THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:36

Thanh Hóa: Họp khẩn cấp để đối phó với cơn bão số 3

 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã thông báo diễn biến mới nhất và những nguy cơ có thể xảy ra của cơn bão số 3. Theo đó, các địa phương ven biển cũng báo cáo tình hình triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại về bão gây ra. Cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức ngay trong đêm 18/8 nhằm đưa ra phương án ứng phó với cơn bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã biểu dương Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã nỗ lực trong triển khai công tác ứng phó. Đồng thời, ông Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh rằng, đây là cơn bão có cường độ lớn nên phải tập trung cao độ, triển khai các biện pháp phòng tránh thiệt hại với mục tiêu tuyệt đối không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.
Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và các huyện thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho người dân biết để ứng phó, yêu cầu các ban ngành địa phương duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ.

 

 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chủ trì cuộc họp khẩn cấp được tổ chức trong đêm 18/8  

 

Tại các huyện ven biển, tập trung kiểm tra số tàu thuyền đã về, không cho neo đậu ngoài cửa sông, cửa biển. Yêu cầu 100% tàu thuyền và người phải vào nơi trú bão an toàn, các huyện miền núi phải nắm bắt được các hồ đập có nguy cơ mất an toàn, những vị trí có nguy cơ sạt lở phải có biện pháp di dân kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân công cán bộ về các huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tiến hành sắp xếp neo buộc tàu thuyền, tránh để va đập gây thiệt hại trước, trong và sau cơn bão số 3. Khi có diễn biến phức tạp, các địa phương phải chủ động di dời dân ở khu vực ven biển có nguy cơ bị nguy hiểm.
Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp các huyện, bố trí máy móc để xử lý ngay các điểm sạt lở đất, tránh tình trạng tắc đường, chia cắt giữa các vùng

Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 3 (có tên quốc tế Dianmu). UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn số 08/CĐ-UBND gửi các Ban ngành, huyện thị, yêu cầu dốc toàn lực ứng phó với cơn bão số 3 Dianmu. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu các Sở, ban ngành chức năng, UBND các huyện thị khẩn trương chủ động phòng chống bão.
Các ban ngành cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân, nhằm chủ động phòng tránh, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi. Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Tổ chức hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè và chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Các huyện thị ven biển rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển khi có lệnh. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân sống tại khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa nước, không tích nước đối với các hồ không đảm bảo an toàn, nhất là các hồ chứa nước nhỏ. Nâng cao hiệu suất hoạt động thoát, tiêu úng nước của các trạm bơm. Kiểm tra các tuyến đê xung yếu, triển khai gia cố đê và tuần tra kiểm soát thường xuyên.
Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải có mặt tại địa bàn được giao để kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống bão. Các địa phương có ảnh hưởng của bão phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo của tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đẩy mạnh phương án “4 tại chỗ”, chú trọng tích trữ lượng thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn, đề phòng trường hợp mưa lũ gây ra chia cắt dài ngày.
Ngày 18/8, Thanh Hóa đã kêu gọi được 7.012/7.049 phương tiện, với 24.734 lao động vào nơi tránh, trú an toàn. Còn 38 phương tiện, với 247 lao động cũng đang trên đường vào nơi tránh, trú.
Trước đó, do ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa lũ ngày 11 đến ngày 15/8, Thanh Hóa có 1 người chết, nhiều nhà cửa, hoa màu, cây cối bị cuốn trôi, đổ sập. Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc. Cá lồng của người dân tại tuyến sông Mã chết hàng loạt. Thiệt hại ước tính lên đến 125 tỉ đồng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào 2h ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.
Từ sáng hôm nay (19/8), khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Riêng tại Thanh Hóa, dự báo trong những ngày tới, tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Mực nước trên thượng lưu các sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II và có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét.

Thu Hương/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh