THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Hẩm hiu, cay đắng “chợ người” những ngày cuối năm

Cơ cực chợ người

Có mặt tại ngã ba Trường Lái (TP Thanh Hóa), khi sương còn đọng  trên những chiếc lá,ánh sáng còn chưa đủ nhìn rõ mặt người, tôi đã thấy từng tốp người cùng với những chiếc xe đạp chở đồ đoàn, cuốc, xẻng, thúng mũng,...đang nhấp nhổm chờ người đến thuê

Đóng vai người chờ xe đi Hà Nội, tôi lên tiếng bắt chuyện hỏi vu vơ:"Trời hôm nay lạnh thật, sao các anh đi làm sớm vậy? Nhà nào động thổ vào giờ này hay sao?". Có mặt tại điểm đứng chờ từ rất sớm, anh Nguyễn Xuân Hà, ở Thiệu Hóa phải dậy từ lúc gà chưa gáy, đạp xe gần 20km xuống để mong có người thuê làm cho biết: “Việc đi sớm không ai quy định, nhưng muốn có việc thì cần chịu khó mới được, mấy lần tôi đến muộn có vài phút thôi mà chờ cả ngày không ai thuê rồi chú à. Trong thời buổi giành nhau từng công việc, đến thật sớm cũng là một kinh nghiệm tạo cho mình có nhiều cơ hội việc làm hơn". Một ông trạc tuổi 60 nói:"Đến sớm vậy thôi chứ nhiều hôm đến sớm cũng chưa chắc là có việc. Chỉ là chờ đợi nhỡ đâu có ông chủ nào cần làm sớm”. 

Tại ngã ba Bia TP.Thanh Hóa có rất đông người lao động đứng chờ việc trong dịp cuối năm

Qua trò chuyện với họ tôi mới ngộ rằng, để phận “cu ly” có một công việc đào đất, khiêng vác, kéo cáp… cũng thật khó. Họ là những người dân lao động quê ở các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương… đi “bán” sức lao động lấy tiền nuôi gia đình. Họ không có quyền lựa chọn làm việc gì nên ai đến thuê gì thì họ làm cái đó, miễn sao có việc và trả thù lao thỏa đáng. “Chợ người” thì không phân biệt độ tuổi, gái trai, ở đâu đến, miễn là có sức khỏe. Cái nghề “ăn sức khỏe như xe máy ăn xăng” lao động quần quật, không kể trời nắng hay mưa, cứ có việc là làm. Anh Định, ở xã Đông Thanh, (huyện Đông Sơn)tâm sự: “Mình không học hành nên không xin làm được ở đâu, buổi sáng cứ chịu khó đạp xe đến đây xem có ai thuê làm không, chứ giờ ở nhà cũng không làm gi nổi một trăm nghìn. Trước đây tôi có đi phụ hồ cho một vài chủ thầu xây dựng, nhưng do họ không thầu được công trình nào nữa, tôi đành phải lên đây kiếm cơm cho các cháu ở nhà”

Đang ngồi nói chuyện bỗng có một người đàn ông đi xe máy đến, cả tốp bổng chạy ra, anh Định cũng phóng như lao đến, nhao nhao lên tiếng: “Làm gì đấy ông anh, làm gì đấy, cần bao nhiêu người?"…  Một lúc sau tốp 5 người  lấy xe đạp đi với vẻ hý hửng. Những người không được chọn quay lại, anh Định chép miệng: “Mấy thằng đó nhanh thật”. và nhìn tôi nói: “Phải giành giật công việc lắm chú à, chậm một tý là bị cướp ngay chứ không đùa đâu”.

Trời gió hanh, cái lạnh cũng thấm thía hơn, ngoài đường ai cũng được bao bọc bằng những lớp áo quần ấm áp. Còn họ mặc chiếc áo tối màu, mỏng manh cùng chiếc quần đã bạc để lộ rõ những phần da khô mốc, bàn chân nứt nẻ trên đối dép nhựa mốc thếch. Thấy một người có lẽ nhiều tuổi nhất ở đây, ngồi co cụm cúi đầu ở một góc riêng biệt, tôi liền hỏi anh Định sao bác ấy không ra đây với các anh cho ấm cúng. Anh trả lời: "Ở đây mỗi người một hoàn cảnh, ai có thân tự lo lấy chú à. Ông ấy là Tình, chắc hôm nay nhà có chuyện gì nên ông ấy cần suy nghĩ, cũng có thể thời tiết hôm nay lạnh hơn, ông ấy cũng có tuổi rồi nên mệt-Anh lắc đầu nói tiếp -Kể cũng tội, già rồi mà vẫn phải đi bán sức khỏe, làm sao chạy đua được với lớp trẻ…".Anh nói chưa hết câu thì một người nữa đi xe máy đến. Một nhóm lại nhanh chóng lấy xe đạp lên đường,  không kịp chào người ở lại một câu.

Tôi lại rong ruỗi đến điểm “chợ người”  ở gần chợ Phú Thọ, (TP.Thanh Hóa). Trời hanh nên gió bụi gây cảm giác rất khó chịu cho người đi đường,lúc tôi đến điểm này vẫn còn đông người chắc sáng giờ chưa ông chủ nào đến thuê.  

Rất đông người lao động nằm chờ việc ở đường Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa

Khốn khó kiếm đồng tiền

Gần trưa, cả tốp vẫn kẻ đứng, người ngồi, ngóng chông xem có vị “cứu tinh” nào đến gọi đi. Xem ra “chợ người” hôm nay ế rồi. Lên xe đi đến ngã ba Bia (TP.Thanh Hóa), ở đây có vẻ lành hơn chợ khu vừa rồi. Hình ảnh người nằm trên bậc khuôn viên ngã ba, người đọc báo để giết thời gian. Tôi lại gần giả vờ đứng chờ xe buýt, và làm quen anh Lưu, người Hoằng Hóa để mượn tờ báo đọc cho đỡ buồn. Theo đó, vài ba câu chuyện hỏi thăm mới biết anh Lưu được mấy người cùng làng kéo đi lên đây làm, hôm có việc hôm không. Hai người nằm trên bậc đó là người chú và đứa em cùng họ với anh. Anh nói  “Lúc sáng có người đến thuê nhưng vì đứa em nó bận việc lên sau, hai chú cháu bàn thôi nhường cho người khác đi trước mình đợi người sau đến thuê cũng được. Ai ngờ đến giờ cũng chẳng có ai thuê”.

Nhà anh Lưu ở quê nghèo lắm, anh em trong gia đình cũng hoàn cảnh như nhau, không ai hơn ai cái gì,  chú nhìn người thì biết đấy, lam lũ quanh năm mà có khấm khá đâu. Anh Lưu cho biết:“Tôi cũng làm đủ thứ nghề rồi, số nghèo không vươn lên được chú à. Ở nhà còn bốn miệng ăn nữa đang chờ đồng thù lao lao động của tôi mang về, mà đến giờ tôi vẫn chưa có gì lót bụng thì lấy gì mang về.  Mẹ tôi thì già rồi, cũng hay đau ốm. Vợ thì ngày trước làm công nhân may, nhưng do ốm nghỉ nhiều quá họ không cho đi làm nữa, giờ chỉ ở nhà lo việc nhà với chăn nuôi thôi. Nặng nhất là hai đứa con chú à, chúng đi học nhà trường đánh giấy về báo nộp mà chưa có tiền

Không phải lúc nào người lao động cũng may mắn có người thuê 

Vẫn biết sức khỏe là trời cho nhưng sao tôi thấy họ vì miếng cơm, vì gia đình họ đang đốt sợi dây sức khỏe của họ cháy nhanh hơn. “Lấy động lực từ gia đình, hai đứa con ngoan, học hành chăm chỉ, năm nào cũng được giấy khen, tôi cố gắng làm, nhưng hình như tuổi già đến nhanh với tôi hay sao ý, nhiều hôm lao động quá sức không sao, nhưng giờ thì không làm được nữa rồi”.

Người chú của anh Lưu gầy guộc thức dậy bỏ chiếc mũ cối cũ kỹ ra khỏi đầu và lay đứa cháu. Tất cả lại ngồi nhìn nhau, chờ đợi một công việc. Nhìn những con người này, tôi không chỉ nghĩ đến họ nữa mà nghĩ cho cả gia đình họ ở quê, đang chông mong người bố, người chồng của mình đi làm trên thành phố từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Dòng người vẫn cứ lướt qua, nhưng ít ai để ý tới những số phận “cu ly” này. 


Hoàng Minh - Tài Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh