THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:43

Thanh Hóa: Đặc sắc lễ hội bánh chưng – bánh giầy TP Sầm Sơn

Lễ rước kiệu truyền thống

 

Sáng 14/6, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội bánh chưng - bánh giầy năm 2019 với sự tham gia của các phường, xã trên địa bàn cùng đông đảo du khách thập phương.

 Lễ hội bánh chưng - bánh giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn, lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng sóng êm; cầu cho mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, du lịch đạt nhiều thắng lợi; cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội bắt đầu ngay từ sáng sớm đã diễn ra nghi thức rước kiệu truyền thống của các đoàn cùng nhân dân tất cả các xã, phường. Hơn 1.000 cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú và các em thiếu nhi trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu, đi dọc đường Hồ Xuân Hương, tề tựu về sân đền Độc Cước.

Sau khi hoàn thành các công đoạn, bánh chưng, bánh giầy

cùng nhiều lễ vật được dâng lên thần Độc Cước

Ban tổ chức chấm điểm bánh chưng, bánh giầy các đội thi

 

Sau phần nghi lễ với các hoạt động tế lễ, đọc chúc văn, đánh trống khai hội là chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội mang chủ đề “Huyền thoại Sầm Sơn – Khí thiêng sông núi” do các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO, di sản dân ca Việt Nam và các nghệ nhân TP Sầm Sơn thể hiện với các tiết mục đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Sầm Sơn, của xứ Thanh.  

Lễ hội hấp dẫn nhất là phần thi làm bánh giầy giữa 12 làng đến từ các phường, xã trên địa bàn thu hút đông đảo  nhân dân và du khách xem, cổ vũ.

Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi làng chọn 7 người có sức khoẻ và kinh nghiệm, vận trang phục truyền thống, mang theo một thúng nếp đã được ngâm sẵn, cùng các vật dụng như: cối đá, chày gỗ, mâm đồng đặt bánh, nước sạch và củi lửa.

Bánh được các làng dâng lên để tế lễ

 

Sau tín hiệu phát lên của Ban tổ chức, chương trình thi làm bánh bắt đầu, lửa bếp được nhóm lên, các làng thi nhau hông xôi, giã xôi, nặn bánh trong tiếng trống giục, tiếng reo hò cổ vũ của nhân dân các làng cùng du khách.

Mỗi làng làm 2 bánh giầy thi, mỗi bánh thường có đường kính 30cm, đỉnh cao 10cm đặt trên mâm đồng, sau khi hoàn thiện được đưa về Ban tổ chức để chấm điểm.

Sau khi lễ hội kết thúc, bánh sẽ được phát cho dân làng để cùng nhau hưởng phúc lộc, gặp nhiều may mắn và bình an…

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh