CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Thanh Hóa: Cơ sở tái chế bao bì không phép “hành dân”

 

Theo phản ánh của người dân, cơ sở giặt rửa bao bì xi măng của hộ ông Trần Quốc Cương nằm ngay cạnh nhà văn hóa thôn 4. Hệ thống nước rửa chứa đầy xi măng độc hại không hề lắng lọc mà xả trực tiếp ra môi trường. Thêm vào đó, bao bì, nhựa không thể tái chế được thì các hộ này vô tư đốt. Mùi cao su, bao bì cháy bốc lên khiến người dân nôn nao, mệt mỏi. Các phụ phẩm, phế thải được cơ sở này đổ khắp mọi nơi.

 

Các phụ phẩm, phế thải được cơ sở này đổ vô tội vạ

 

Một người dân bức xúc: “Cơ sở tái chế bao bì này đã hoạt động rất lâu rồi, bao nhiêu chất thải đổ hết ra mương, ra ruộng thế này thì cấy hái thế nào được. Mưa thì nước chảy lênh láng ra đường, xuống ruộng, nắng thì bụi bay mù mịt, thi thoảng họ lại đốt bao bì nữa... Chất thải họ đổ tràn cả ra đường. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã mà không thấy lãnh đạo xã xuống kiểm tra, xử lý. Cứ thế này thì chúng tôi mắc bệnh hết thôi”.

Để phản ánh những búc xúc, kiến nghị của người dân, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND xã Nông Trường nhưng đều không nhận được phản hồi!

 

Cơ sở tái chế bao bì xả thẳng nước thải ra kênh mương của cánh làng khiến người dân rất lo lắng

 

Được biết cơ sở tái chế bao bì này xây dựng không nằm trong quy hoạch, không được các cơ quan chức năng cấp phép, không có đánh giá và các hạng mục bảo vệ môi trường… Thế nhưng nó tồn tại, hoạt động nhiều năm nay không bị kiểm tra, xử  lý, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tiếp tay, bảo kê của lãnh đạo xã này.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: “Hàng năm, phòng đều yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát báo cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, tái chế bao bì để kiểm tra, giám sát, yêu cầu hoạt động đúng quy định. UBND xã Nông Trường không hề báo cáo cơ sở này lên trên. Ngay ngày mai, tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo huyện trực tiếp xuống kiểm tra, xử lý theo quy định”.

 

Hoạt động không phép nhiều năm qua, nhưng cơ sở tái chế bao bì này không bị các cơ quan chức năng kiểm tra

 

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ ở xã Nông Trường, tại xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn), có đến gần 50 hộ thu mua tái chế bao bì không phép ngang nhiên hoạt động ngay tại nhà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại cụm công nghiệp huyện Triệu Sơn đóng trên địa bàn xã Dân Lực và chân cầu Trắng thuộc xã Minh Châu cũng có nhiều cơ sở tái chế bao bì xả thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, để quy hoạch, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn, UBND huyện Triệu Sơn đã lập quy hoạch, xin UBND tỉnh phê duyệt trên diện tích khoảng 3 ha làm khu làng nghề tái chế bao bì, nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là kinh phí nên dự án này vẫn chưa thực hiện được.

Đề nghị các cơ chức năng huyện Triệu Sơn vào cuộc, kiểm tra, xử lý những cơ sở tái chế bao bì đang hoạt động trên địa bàn, trả lại môi trường trong lành cho người dân nơi đây yên tâm ổn định cuộc sống

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh