THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:33

Tháng Ba cùng về với Tổ

Nô nức người dân cùng về Giỗ Tổ.

Dọc Quốc lộ số 2 tìm về nguồn cội, hoa gạo mùa này vẫn đỏ rực trời, thả “những chiếc chong chóng đỏ” về với đất mẹ. Con đường lên đất Tổ rồi tỏa đi các trấn biên ải như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng chợt tấp nập thêm khi hàng triệu người con trăm miền đang mong mỏi tìm về, thắp lên nơi Tổ Vua Hùng nén nhang để tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước.

Một mình, len chân giữa những rộn rã của các bước chân, tôi nhớ lại câu đối, có lẽ là câu đối hay nhất mà trăm năm trước, thi sỹ Tản Đà đã viết lên trong một lần về giỗ Tổ. Ngoài ngữ nghĩa, câu đối này toát lên cao nhất ấy là sự đoàn kết đã có và cần có của giống nòi, xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại và tương lai tiếp theo:

“Có tổ có tôn, có tôn có tổ, tôn tổ tổ tôn, tôn tổ cũ

Còn non còn nước, còn nước còn non, nước non non nước, nước non nhà”

Bất chợt tôi lại gặp một cái cười thao thiết và một lời chào. Lại gặp lại cái cô gái Thái có tên Điêu Thị Phần, người gốc huyện Phù Yên, giáp với huyện Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ. Nhanh thật, mới nhoáng một cái, gặp năm nào ở ngày giỗ Tổ giờ em đã con bế con bồng. Định hỏi bận thế, xa xôi thế mà cũng về giỗ à, thì em đã nhanh nhảu chao chát bằng ngôn ngữ hết sức mộc, suy nghĩ cũng hết mộc của mình: Sao lại không về! Giỗ Tổ mà! Bận bằng chết đi nữa cũng phải về chứ! Năm nay đưa cả con, cả chồng đi đấy. Đưa về cho chồng, cho con còn biết mình cũng có tổ ở đây đấy...

Ừ, có riêng đâu gì cô Phần, về giỗ Tổ, coi Vua Hùng là tổ tiên mình lâu nay đã trở thành vết hằn trong vỏ não, trở thành “một phản xạ không điều kiện” của mỗi người dân Đất Việt rồi. Cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch, khắp các nẻo đường, khắp các miền thôn quê Việt Nam đâu mà chả thấy người ta hỏi nhau như hỏi người nhà: Về giỗ Tổ chứ?

Đánh và biểu diễn trống đồng, một nghi lễ quan trọng của Giỗ Tổ.

Không chỉ thời hiện đại ngày nay của dân tộc Việt Nam, mà ngay từ thời phong kiến, với các triều đại thì ngày giỗ Tổ các Vua Hùng cũng luôn được chú trọng. Hầu hết các thời kỳ, các triều đại phong kiến trong lịch sử của nước ta đều tiến hành tế lễ (Quốc lễ) vào tháng Ba âm lịch, thời gian tổ chức này đúng vào ngày giỗ của Kinh Dương Vương, Vua Hùng thứ nhất.

Lễ hội thời đó được tổ chức 5 năm một lần, chọn năm chẵn mà tổ chức. Lễ hội trong thời kỳ này được giao cho người dân làng Trung Nghĩa (làng Hy Cương, Chu Hóa) lo phẩm vật tế lễ, gọi là dân Trưởng tạo lễ. Lễ tế trong thời kỳ này được tiến cử tại Đền Thượng, chủ lễ là Quan tuần phủ đứng đầu tỉnh do nhà vua ủy nhiệm. Sau khi tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xung quanh Đền Hùng tế lễ.

Từ thời Hậu Lê về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Để bù đắp trọng trách thiêng liêng và cao cả này, người dân ở đây được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính. Niêm luật này được kéo dài tới thời “Người anh hùng áo vải” Quang Trung với những sắc chỉ được ghi rõ ở năm 1789.

Đến thời nhà Nguyễn, có chút ít sự thay đổi về quy định, nhưng tính tôn nghiêm về ngày Giỗ Tổ cũng được nâng cao hơn. Lúc này triều đình đứng ra trực tiếp tôn tạo các đền đài, lăng tẩm. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức ngày giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân một ngày, tức tế vào ngày 10/3 âm lịch để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ (tức ngày 12/3 âm lịch).

Chủ tế thời này cũng là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sư là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Kinh phí lấy từ hoa lợi phát canh 25 mẫu ruộng đền và cấp cho 100 đồng bạc trắng. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy vào các năm chẵn. Thông qua vài con số liệt kê của lịch sử này để thấy, các thời kỳ xã hội Việt Nam, dù thịnh hay suy, dù chiến tranh hay hòa bình, dù thiên tai hay được vụ thì việc giỗ Tổ luôn được chú trọng. Mọi người của mọi thời đại luôn luôn chú ý đến nơi phát tích, đến nguồn gốc giống nòi mình.

Rước cờ trong Lễ.

Nối tiếp những linh thiêng của ngày giỗ Tổ, trong thời kỳ Hồ Chí Minh, các bậc lãnh đạo kỳ tài, có uy tín và đạo đức của chúng ta cũng luôn nhớ về cội nguồn. Năm 1946, thực dân Pháp bội ước, đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, với bộn bề khó khăn và lo toan, nhưng giỗ Tổ năm ấy, thay mặt lãnh đạo cấp cao của nhà nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước lúc bấy giờ vẫn không quản ngại đường xa tìm lên Đền Hùng.

Trong ngày giỗ Tổ này, đại diện giống nòi, Cụ đã để lại một hành động rất cao quý, mãi được sử sách cách mạng Việt Nam tạc ghi ấy là ngoài đồ cúng tế Cụ còn đem lên đây một tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm báu để dâng tế. Đại diện dân tộc, Cụ đã cáo với Tổ Tiên về họa xâm lăng của ngoại xâm và quyết tâm chiến đấu của dân tộc. Sử sách của giỗ Tổ còn ghi thêm: Từ năm 1947 đến năm 1954, rồi cả sau này khi đế quốc Mỹ cho máy bay ra phá hoại miền Bắc, do điều kiện xã hội và dân tộc ta lúc đó tập trung cho việc cứu nước, kiến quốc nhưng không bao giờ dân ta quên ngày giỗ Tổ. Tuy lễ vật và mức độ tổ chức hết sức giản đơn nhưng lễ hội vẫn đông người.

Thiêng liêng hơn nữa, ấy là ngày 18/9/1954, vị cha già kính yêu của chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đại Từ (Thái Nguyên) sang Đền Hùng, Người đã nghỉ một đêm tại Đền Giếng. Ngày 19/9/1954, Người đã gặp Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308) trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, trong buổi gặp, Người đã để lại câu nói để dạy các chiến sỹ cũng như tầng lớp cháu con kế tiếp sau này, nay còn tạc ghi trên bia đá: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Để tạo cơ sở vật chất cho những người con tâm nguyện một lòng tìm về cội nguồn, quần thể Đền Hùng được dân Việt mà cụ thể là “đất trung du, người trung du” Phú Thọ chỉnh trang quy củ trong nhiều năm nay. Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng đã được tu sửa nguyên vẹn. Đền Mẫu Âu Cơ, đền thờ Lạc Long Quân cũng đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp xứng tầm

Mỗi năm, tỉnh Phú Thọ có 260 lễ hội, trong đó, Lễ hội Đền Hùng là lễ hội có quy mô tổ chức lớn nhất. Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội, đặc biệt là lễ hội dân gian ngày càng được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, phản cảm, thương mại hóa lễ hội vẫn còn xảy ra ở một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội Phết Hiền Quan, lễ hội chọi trâu Phù Ninh...

Từ đầu năm đến ngày 15 tháng giêng năm Bính Thân ước tính có khoảng 1,8 triệu lượt khách về thăm viếng Đền Hùng. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã quan tâm, hướng dẫn nhân dân về dâng hương thực hành nghi lễ tín ngưỡng theo truyền thống của dân tộc; đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, kinh doanh dịch vụ đảm bảo diễn ra lành mạnh, đúng quy định của Nhà nước, của tỉnh...

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh: Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau. Bên cạnh những hoạt động được tổ chức thường niên, nét mới trong phần hội năm nay là tổ chức Lễ hội đường phố, hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng và hội thi bơi chải truyền thống trên sông Lô. Tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, chỉnh trang khuôn viên, lắp đặt bổ sung hệ thống biển bảng hướng dẫn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách và công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trong khu vực diễn ra lễ hội.

ĐƠN THƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh