CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

“Thần tượng” đâu phải lúc nào cũng đúng!

Những tác động của một số "sao" thời gian qua đã góp phần dẫn dắt xu hướng mua sắm, tiêu dùng của nhiều người, trong đó không ít người đóng vai trò "đại sứ thương hiệu" đã giúp "nâng tầm" không ít thương hiệu, đưa nhiều thương hiệu từ trong "bóng tối" đến gần với công chúng, người tiêu dùng hơn.

“Thần tượng” đâu phải lúc nào cũng đúng! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thế nhưng cũng vì sự thiếu chọn lọc, thiếu cẩn trọng trong lựa chọn thương hiệu để làm "đại sứ", một số người đã bị ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín. Mỹ Tâm là một ví dụ. Không thể phủ nhận tài năng nghệ thuật, càng không thể không nói tới những đóng góp của cô ca sĩ "Họa mi tóc nâu" đối với cộng đồng khi liên tục xuất hiện trong các hoạt động từ thiện, cứu trợ người nghèo, người dân vùng thiên tai. Nhưng việc cô làm "đại sứ" cho một thương hiệu mỹ phẩm bị tố là đa cấp, "kem trộn" đã khiến cô phải hứng chịu không ít chỉ trích từ công chúng.

Tương tự, Sơn Tùng M-TP cũng nhận làm "đại sứ" cho một thương hiệu mỹ phẩm và bị dư luận ném đá, cư dân mạng đồng loạt kêu gọi tẩy chay sản phẩm mà Sơn Tùng M-TP đang quảng cáo.

Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy cũng không là ngoại lệ, bị chỉ trích khi quảng cáo cho dòng trà giảm cân G.D. Sản phẩm này từng bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng vì có chứa 2 chất cấm nguy hiểm cho sức khỏe là phenolphtalein và sibutramine. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng ra thông báo thu hồi một loạt sản phẩm có chứa 2 chất này.

Việc nghệ sĩ nhận lời quảng cáo cho sản phẩm, thương hiệu không vi phạm quy định pháp luật. Nhưng vấn đề ở đây, khi đã là người của công chúng với những ảnh hưởng nhất định, họ phải có thái độ thận trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm mà họ sử dụng hình ảnh, uy tín của mình để quảng cáo. Bởi khi ấy, họ đã sử dụng uy tín của mình để dẫn dắt xu hướng tiêu dùng của cộng đồng. Bất cứ sự cố nào liên quan tới chất lượng sản phẩm, một tai tiếng nào đó xuất phát từ cách làm ăn không trong sáng của chủ thương hiệu thì chính bản thân họ cũng sẽ bị mang tiếng, tệ hơn là bị công chúng tẩy chay.

Bởi công chúng hiện giờ đã "thông thái" hơn trước rất nhiều, sự phân minh giữa đúng – sai khiến họ không dễ bị "xỏ mũi". Công chúng hiểu rằng, dẫu là "thần tượng" thì những nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng là con người, cũng có thể bị chi phối bởi sức mạnh của đồng tiền. Từ đó, công chúng đi tới một kết luận: Thần tượng không phải lúc nào cũng đúng!

Quyền lực của công chúng đã dần được đặt đúng chỗ, buộc những người nổi tiếng, có lượng fan đông đảo phải nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, để có những lựa chọn, hành xử đúng đắn. Đó là điều cần thiết để xây dựng "văn hóa thần tượng" lành mạnh, sạch sẽ và công bằng.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh