THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:41

Thăm xã “4 không”

 

Thiếu thốn đủ bề

Là xã vùng sâu nên kinh tế của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, “sợi dây” duy nhất nối Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm với thị trấn Quỳ Châu là quãng đường dài lên đèo xuống vực.

Mọi hoạt động giao dịch với thế giới bên ngoài trở nên hết sức khó khăn, thậm chí bị cô lập mỗi khi mùa mưa lũ về. Giao thông đã khó, lại không điện, không nước, không chợ búa, không thông tin liên lạc đã khiến Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm trong nhiều năm vẫn không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Người dân vẫn chủ yếu sống dựa vào đốt nương làm rẫy. Đất khô cằn, bà con dân tộc thiếu kỹ thuật gieo trồng nên mỗi năm thường thiếu ăn từ 6 - 7 tháng. Trai bản phải bỏ rừng phiêu bạt khắp đó đây để vật lộn với miếng cơm manh áo.

Số thanh niên còn lại đi theo các chủ gỗ dưới xuôi vào rừng khai thác lâm sản trái phép và hậu quả là hầu hết số thanh niên này đều “dính” vào ma tuý.

xã châu phong, quỳ hợp, nghệ an

Đường đất, ngày nắng “bụi mù”, ngày mưa thành ruộng.       

Ông Lang Văn Hồng, nguyên cán bộ xã Châu Phong, nói với chúng tôi: “Xã chúng tôi nghèo lắm, thu nhập bình quân đầu người chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người Thái và Kinh.

Khách đến thăm, không ai bảo ai nhưng tất cả đều gọi  Châu Phong là xã “bốn không”: Không điện lưới, không nước sạch, không chợ và không có sóng điện thoại.

Khi cần liên lạc phải chạy ngược chạy xuôi, lên đồi xuống khe tìm nơi có sóng. Báo chí, công văn thì  về chậm. Trạm Y tế – nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã luôn trong tình trạng thiếu đội ngũ y bác sĩ và các thiết bị vật tư y tế”.

Gian nan tìm lối thoát

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo nhưng Châu Phong vẫn phát triển ỳ ạch, đời sống của người dân vùng sâu vẫn chìm trong muôn vàn khó khăn và đói nghèo.

Rời Châu Phong, chúng tôi ngược Pù Hốc với những con dốc dựng đứng cheo leo, tiếp tục cuộc hành trình đi vào xã Diên Lãm. Đến Diên Lãm, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc cầu xây dựng dở dang, sắt thép phơi la liệt và đã hoen gỉ; những mảng bê tông lớn để làm cầu nằm lăn lóc ven bờ suối.

xã châu phong, quỳ hợp, nghệ anChợ xây xong bỏ hoang.

Một người dân cho biết, đó là những chiếc cầu Xốp Lịch 1 và 2, đây là những chiếc cầu được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng đi lại, giao thương với bên ngoài. Tuy nhiên, công việc cứ ì ạch mãi, cho đến bây giờ người dân muốn đi ra khỏi làng, khỏi xã vẫn phải khiêng xe máy qua khe.

Sau khi vượt qua được các “cửa ải” khe suối, chúng tôi đi vào Bản Cướm, một ngôi làng có 100% đồng bào Thái. Tại đây, cuộc sống của người dân vẫn quanh năm lam lũ, cuộc sống chủ yếu vẫn là mấy vạt rẫy, mấy sào ruộng bậc thang cằn cỗi. Người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nên hầu như cuộc sống tự cung tự cấp cứ đeo đuổi mãi; vẫn mùa nào thức ấy, ngày 2 buổi vào rừng bẻ măng, nhặt nấm sống qua ngày.

Ông Lữ Trọng Bằng, ở Bản Cướm thở dài: “Cuộc sống của bà con còn nghèo lắm các anh ạ. Từ bao đời nay bà con vẫn chưa tìm được lối thoát; mà cũng đúng thôi, điện không, đường không, sóng không, nước không, cầu chưa có; chợ cũng không nốt...”.

Góp vào câu chuyện, anh Quang Văn Cường, ở bản Hốc cho biết: “Dân bản thì nghèo, đã thế còn hay xảy ra thiên tai lũ lụt. Trước đây lũ tụt, lũ quét thường xuyên lấy đi của người dân rất nhiều thứ, cuộc sống của bà con đã khốn khó, càng khốn khó hơn ...”.

xã châu phong, quỳ hợp, nghệ an

Hệ thống nước sạch không có nước.

Ông Lý Đại Châu, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm thở dài: “Về với bà con các anh thấy đó, cuộc sống vẫn khó khăn vất vả lắm. Ở đây heo hút, chợ không có, đường và điện lưới cũng chẳng có luôn, nên hầu như bà con vẫn chỉ ở trong vòng luẩn quẩn của vất vả.

Chúng tôi làm lãnh đạo ở địa phương nghèo khó và xa xôi thế này cũng có nhiều nỗi trăn trở nhưng chẳng biết làm thế nào để giúp cuộc sống người dân khá lên được, đành trông chờ phần nhiều từ cấp trên mà thôi”.

Cùng với Châu Phong và Diên Lãm thì xã Châu Hoàn cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu. Châu Phong và Diên Lãm chưa có điện, đường, nước sạch, chợ...thì cũng chừng ấy xã nghèo Châu Hoàn chưa thể với tới được. Khốn khó cứ thế chồng chất khó khăn.

Chẳng biết đến bao giờ 3 xã khó khăn bậc nhất của huyện Quỳ Châu sẽ vươn lên thay da đổi thịt? hay cứ thế, vẫn “chung thủy” với cái nghèo khó dài dài?

Trao đổi với PV Báo LĐ&XH ông Ngô Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, trăn trở: “Phải giải quyết cho được 4 điểm mấu chốt: Thứ nhất là điện, cần phải sớm kéo điện lưới về các xã đó, xoá các tụ điểm ma tuý hoành hành từ nhiều năm nay.

Đồng thời phải cải thiện hệ thống thông tin liên lạc và tìm cách đưa những ngôi chợ đã xây xong hàng chục năm nay nhưng bỏ hoang vào hoạt động buôn bán. Cuối cùng là xây dựng hệ thống nước sạch kiên cố...”.

Hoàng Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh