THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:38

Thẩm tra một số cơ chế đặc biệt, đặc cách trong phòng, chống dịch

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Ngày 6/12, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Còn gặp khó khăn trong "bóc tách" chi phí để thanh toán theo các nguồn

Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề, trong đó có thanh toán chi phí và chế độ chống dịch.

Về thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế được thành lập hoặc giao nhiệm vụ thu dung, điều trị Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 268 quy định ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19, đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 còn gặp khó khăn trong việc bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn.

Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ; đồng thời cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình

Các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng

Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội năm 2022, về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết 268/NQ/QH15.

Tuy nhiên, theo Ủy ban, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Tờ trình cần làm rõ tính cấp bách để được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15; một số chính sách được trình để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước; một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Thảo luận tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản cũng như tránh trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để thực thi Chiến lược do Chính phủ ban hành, đề nghị Chính phủ chỉ đưa vào Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các nội dung vượt thẩm quyền sẽ được quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Cần ban hành nghị quyết, nâng cao hiệu quả chống dịch

Phần thảo luận, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đều bày tỏ nhất trí cần ban hành nghị quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả chống dịch.

Rất ủng hộ đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết các trung tâm hồi sức đang rất mong chờ vì thực tế không thể bóc tách được chi phí.

Cũng đồng tình phải tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí, nhưng đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) và một số ý kiến khác cho rằng cần quy định cụ thể hơn nữa để tránh nghị quyết đưa ra không thực hiện được do khả năng của ngân sách có hạn.

Lần này, Chính phủ cũng đề nghị đổi với cơ sở khảm bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chổng dịch Covid-19 thì áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do HĐND cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định, bảo đảm không vượt quá mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện trung ương đỏng trên địa bàn.

Theo nhóm nghiên cứu, quy định như vậy không bù đắp được chi phí mà cơ sở y tế tư nhân vì giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế  bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ nguồn chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khác bên cạnh chi phí điều trị Covid-19 của cơ sở y tế tư nhân.

Ngoài ra, để khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia vào việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám chữa bệnh Covid-19 một cách tự nguyện, trách nhiệm thì Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế thanh toán các chi phí thực hiện công tác phòng, chống và điều trị Covid-19 vừa đảm bảo cân đối bù đắp chí phí vận hành của cơ sở tư nhân và phù hợp khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước.

Theo dự kiến, trong chương trình phiên họp thứ 6 diễn ra trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh