CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Thẩm thấu nỗi khổ của người khác rồi xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình

Tình thương đối với những người xa lạ

Nhân chuyến công tác các tỉnh miền Tây, tôi ghé thăm Trung tâm công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long vào một buổi chiều cuối ngày, vừa đến nơi chúng tôi nhận được sự niềm nở, tận tình đón tiếp, của các chị ở đây. Sau một lúc trò chuyện chúng tôi đi xung quanh để thăm các cụ già và các bạn nhỏ sống ở đây. Dù là người mạnh mẽ đến mấy nhưng bước vào đây không ai khỏi chạnh lòng, nhìn những đứa trẻ bơ vơ không cha không mẹ, những cụ già thờ thẫn ngồi nhìn xa xăm trông chờ người thân mà lòng tôi buồn vô cùng. Buổi chiều, khu nhà ăn là nơi tất bật và nhộn nhịp nhất, hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé nhưng chăm sóc cho mấy chục cụ già đã ập vào mắt tôi, vừa tò mò, vừa khâm phục tôi bước đến tâm sự với chị.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh chăm sóc cho những người ở đây như chính người thân của mình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh chăm sóc cho những người ở đây như chính người thân của mình.

Thấy chúng tôi, chị vui tươi chào hỏi, qua trò chuyện tôi biết được chị tên là Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh năm 1968), chị vào trung tâm từ những ngày mới thành lập (năm 1997), tính đến nay cũng 25 năm. 25 năm qua, chị chưa bao giờ chị kêu ca, phàn nàn, lúc nào cũng quan tâm, chăm sóc tận tụy, đối với người già, chị động viên, thăm hỏi từng bữa ăn, giấc ngủ. Khu của có 6 nhân viên chia nhau làm 2 ca để chăm sóc cho 50 cụ già không nơi nương tựa. Chị nói với tôi “Nhiều lúc cứ nghĩ mình khổ, vào làm ở đây mới thấy có nhiều mảnh đời còn éo le và khổ hơn mình nên tôi động lòng thương và tận tình chăm sóc để muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho họ”.

 

Chị kể, năm chị khoảng 28 tuổi, hôn nhân gia đình dang dở, buồn gia đình rồi chị xin vào đây để làm kiếm tiền nuôi con. Lúc đó, trung tâm mới thành lập, công việc còn bộn bề chưa đi vào quỹ đạo như ngày nay. “Lúc đầu vào, áp lực công việc quá khủng khiếp tôi định bỏ nghề nhưng nhìn những hoàn cảnh đáng thương của các cụ, các em nhỏ. Thấy mình hoàn cảnh cũng khổ mà họ còn khổ hơn rồi thẩm thấu nổi khổ của họ rồi đồng cảm với họ, rồi dần dần gắn bó với họ như người thân của mình. Vậy là ngày tháng trôi qua, tháng 9 này là tròn 25 năm tôi gắn bó với nơi này”, chị Mỹ Linh tâm sự.

Một ngày chị bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 7 giờ sáng hôm sau, lần lượt giúp các cụ ăn, tắm rửa, vệ sinh rồi quét dọn nơi ở, giặt giũ. Nhiều cụ khó chịu do bệnh tật hay buồn vì nhớ con cháu sinh ra không hợp tác như: phàn nàn, không chịu ăn, cự lại mỗi lần tắm rửa nhưng chị luôn nhỏ nhẹ và chiều chuộng theo ý các cụ.

Gắn bó với nhau nhiều năm nên chị hiểu được tâm tính của từng người, hiểu được sở thích từng người. Chị kể “Tới bữa cơm, tôi hiểu được cụ nào thích ăn món gì và ăn như thế nào nên chia  phần đúng theo sở thích của cụ đó, bữa nào quên chia không đúng sở thích là các cụ cự ngay, các cụ dỗi. Vì vậy, chẳng những bầu bạn, chăm sóc mà các chị ở đây phải hiểu được cách ăn, cách ở của từng người, thậm chí uống nước phải ly đầy ly cạn như thế nào”, chị Linh tâm sự.

Tác giả đang trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Tác giả đang trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Ngần ấy thời gian gắn bó với nơi đây, nhiều lần chị cũng xót xa và rớt nước mắt, chị kể có một trường hợp mà chị suy nghĩ và ám ảnh mãi “ khoảng 11 giờ tối, các cụ đã đi vào giấc ngủ, tôi đi các phòng để kiểm tra mùng mềm đắp cho các cụ. Nghe tiếng xe ngoài cổng, tôi nhìn ra thấy có một chiếc xe ô tô mui trần đang lùi vào cửa trung tâm. Tôi bước ra ngoài, thấy hai người thanh niên đang lúi húi đưa một ông cụ xuống rùi để cụ ngồi lên chiếc xe lăn. Chưa kịp ra tới cổng để mở cửa, chiếc xe ô tô đã vội phóng đi thật nhanh và bỏ ông lại. Tôi vội chạy ra thì chiếc xe đã chạy đi mất, ông cụ khoảng 70 tuổi ngồi khóc trên chiếc xe lăn. Nhìn cảnh tượng này tôi chỉ biết khóc theo”, chị Linh kể lại.

Xem các cháu như con, các cụ như bố mẹ

Đúng là, khi vào đây mỗi người đều mang trong mình một câu chuyên buồn, một nỗi lòng nặng triễu. Là phụ nữ, có con nhỏ lại nhìn cả đám trẻ từ biết đi đến nằm ngửa bị cha mẹ bỏ rơi mà lòng tôi thấy khá nặng nề, chẳng biết mình đã khóc khi nào và khóc bao nhiêu. Nhưng điều khiến tôi cảm phục hơn là những người phụ nữ “dám” dành cả tuổi thanh xuân của mình để vào đây chăm sóc cho các bé. Các chị hầu như không có đêm nào tròn giấc, loay hoay để chăm sóc hết bé này đến bé khác, những lúc trái gió trở trời các bé thi nhau bệnh, các chị cũng thay nhau bồng bế. Ban ngày thì đút cho các bé ăn, cho bú sữa, ru ngủ, giặt giũ,….. liên tục chăm sóc trung bình cho 20 -30 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mỗi đêm các chị xoay vòng cho trẻ bú sữa, thay tả, vì đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chỉ cần đói bụng, không kịp thay tã thì đã khóc la, làm mấy trẻ khác khóc theo. Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của các mẹ tại Trung tâm đối với các em như tình yêu của người mẹ dành cho con, chăm sóc, yêu thương và cùng con trưởng thành. Nơi đây đã trở thành tổ ấm thứ hai của những mảnh đời bất hạnh.

Các chị xem các cháu như con, các cụ như bố mẹ.

Các chị xem các cháu như con, các cụ như bố mẹ.

Nghe chị tâm sự tôi cũng thấy nghẹn ngào! Các chị là vậy, các chị cũng có gia đình, có chồng, có con, có biết bao nhiêu việc cần có bàn tay và sự hiện diện của người phụ nữ mỗi ngày, mỗi giờ trong gia đình của mình, nhưng vì các cụ, các con mà các chị dành cả ngày đêm tận tâm chăm sóc. Các chị xem các cháu như con, các cụ như bố mẹ; rồi đối với các trường hợp tâm thần kinh không ổn định, tâm lý lúc nắng, lúc mưa nhưng các chị cũng chẳng nản lòng hay cáu gắt, vẫn cứ chuyện trò, tâm sự theo những dòng cảm xúc không đầu, không cuối, lúc vui, lúc buồn, lúc cười, lúc khóc, lúc già, lúc trẻ và cứ như thế, như thế…

Ông Võ Văn Tấn Hùng – GĐ Trung tâm công tác xã hội chia sẻ, chị Mỹ Linh gắn bó với trung tâm cũng 25 năm, trong ngần ấy thời gian chị Mỹ Linh là người tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn hết lòng hết sức phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm, có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc đối tượng. Với những cống hiến của mình cho Trung tâm, chị Mỹ Linh là một trong 5 người được vinh dự nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội năm 2021.

Tình thương và sự chăm sóc của các chị dành cho các đối tượng ở đây như người thân của chính mình.

Tình thương và sự chăm sóc của các chị dành cho các đối tượng ở đây như người thân của chính mình.

Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên má chị, tưởng như mệt mỏi mà không phải, tôi cảm nhận được đó là tình cảm của một người chị, một người mẹ đang chăm sóc cho đứa em, một người con con đang chăm sóc cho cha mẹ. Lên xe ra về mà lòng tôi thấy ấm áp quá, một cảm xúc mãnh liệt dâng trào, được chứng kiến sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các chị dành cho những đối tượng ở đây. Vẫn biết đó là công việc, nhiệm vụ của các chị, nhưng các chị đã làm việc với một tấm lòng đầy nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm, với mong muốn không gì khác là bù đắp lại phần nào thiệt thòi, thiếu thốn của những số phận éo le đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, giúp họ có thêm nghị lực, lạc quan, vượt qua hoàn cảnh của bản thân.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh