THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:29

Thăm “Rừng Đại tướng”

Đường về Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bây giờ trải nhựa thật rộng, đẹp. Những cánh rừng xanh thẫm, mở lối dưới thung là những thửa ruộng bậc thang đang được người dân canh tác, con suối từ đỉnh núi Mường Phăng róc rách chảy êm ả dưới chân đồi, những cánh hoa rừng nhiều màu sắc rung rinh, ẩn hiện trong làn sương, gợi lên một vùng núi bình yên, ấm no, hạnh phúc. 

Khu căn cứ Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa Đại tướng cùng Bộ Tham mưu ở có chiều dài khoảng gần 1 cây số, ẩn sâu trong rừng, nay phía ngoài cổng là Khu nhà lưu niệm Đại tướng.

Nơi đây trưng bày bức ảnh chân dung Đại tướng khi còn tráng niên, đôi mắt ngời sáng, tự tin, ánh nhìn đôn hậu, như chính tấm lòng của Đại tướng với đồng bào các dân tộc ở Điện Biên. Thăm “Rừng Đại tướng”

Theo cô hướng dẫn viên tên Minh, người dân tộc Thái, chúng tôi men theo con đường nhỏ vượt sườn dốc, xuyên rừng, qua 4 cây cầu gỗ bắc ngang con suối chảy từ đỉnh núi Mường Phăng. Nhìn về trước mặt, trên cao lưng chừng núi là chiếc lán dựng đơn sơ mái lợp cỏ gianh, chia làm 2 gian, một gian hẹp làm phòng nghỉ, gian kia là phòng làm việc của Đại tướng. Chiếc hầm phòng tránh máy bay địch ném bom, miệng kề sát lán.

Được biết, chiếc hầm này chiều dài 69 mét, rộng từ 1,5 - 3 mét, cao 1,7 mét, do bộ đội gồm 50 người đào trong 28 ngày. Từ cửa lán ở của Đại tướng, chiếc hầm được đào trong lòng núi, thông với lán làm việc của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoàng Văn Thái và một số lán khác.

Trong lòng chúng tôi bỗng trào dâng cảm xúc mãnh liệt, cổ họng như có gì nghẹn tắc, nước mắt tuôn tràn...Thăm “Rừng Đại tướng”

Hình ảnh Đại tướng và các cộng sự tại Sở chỉ huy chiến dịch bỗng hiện lên với muôn vàn gian khổ, khó khăn và cả sự hy sinh: Thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước, thiếu thuốc chữa bệnh, sốt rét rừng, ăn đói, mặc rách, đầu trần, chân đất, máu đổ, hy sinh...

Tất cả để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đến “Rừng Đại tướng” trong những ngày này, người bản địa hay du khách gần xa cùng được xem lại những thước phim tư liệu kể về cuộc đời, sự nghiệp và những trận đánh hiển hách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước đó, người người cùng dâng hoa, thắp nén hương trước di ảnh của Đại tướng.

Tại Mường Phăng, chúng tôi trò chuyện với cụ Lù Thị Đôi, nay vừa tròn 100 tuổi, người phụ trách gom góp, đưa lương thực vào căn cứ chỉ huy cho Đại tướng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ.-1954

Sức khỏe đã yếu, nhưng mỗi khi nhớ lại kỷ niệm gặp Đại tướng, cụ Đôi vẫn rưng rưng: “Đại tướng và tôi đã có một thời gian dài sống, chiến đấu cùng nhau tại mảnh đất Mường Phăng.Thăm “Rừng Đại tướng”

Trong lần Đại tướng về thăm lại Mường Phăng, Người dặn tôi phải cố gắng sống khỏe mạnh để chứng kiến sự trưởng thành của con cháu”...

Cùng ở xã Mường Phăng, cụ Lò Văn Bóng cũng may mắn được phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ Nay đã ngoài 90 tuổi với hơn 50 năm tuổi Đảng, cụ vẫn nhớ như in ký ức lịch sử hào hùng. Năm 1953, quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đại tướng cùng Bộ Chỉ huy Bộ Tổng tư lệnh rời căn cứ địa Việt Bắc lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ và quyết định chọn khu rừng Mường Phăng để đặt Sở chỉ huy suốt cả chiến dịch.

Lúc đó cụ Bóng được tổ chức cử làm công an xã và là một trong những chiến sĩ bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch. Theo lời cụ Bóng, hồi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp anh em, nhưng Người căn dặn Bộ Tư lệnh phải quan tâm nhiều đến các chiến sĩ.

Với tất cả người dân Mường Phăng, Đại tướng luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người với tràn đầy tình yêu thương, kính trọng.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Mường Phăng. Cụ Bóng và người dân nơi đây ghi nhớ biết căn dặn của Đại tướng: “Bà con phải đoàn kết, vận động nhau hăng say lao động sản xuất, vươn lên xoá đói nghèo. Xã và bà con cần đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng, bởi với 9.100 ha, Mường Phăng là xã có nhiều diện tích rừng, có nguồn tài nguyên vô giá”. Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, người dân Mường Phăng đã tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là khu rừng di tích lịch sử gắn với tên tuổi của Người như một niềm tự hào của quê hương.

Nhiều hộ trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ, sản xuất gạch ngói, làm dịch vụ chế biến nông sản. Cuộc sống của bà con vì thế cũng khá lên nhiều, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm hẳn.Thăm “Rừng Đại tướng”

Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, xúc động chia sẻ: “Đại tướng mất, người Mường Phăng chúng tôi như mất đi một người cha, người ông kính yêu”.

Rời Mường Phăng khi nắng vàng đã tắt, các đoàn du khách đến thăm “rừng Đại tướng” cũng lặng lẽ ra về. Làn gió nhẹ về chiều ngừng thổi, cây lá trong “Rừng Đại tướng” lặng im, khoảng lặng ấy như hằn vào lòng người, như đang hướng về vong linh Đại tướng.

Với đồng bào các dân tộc Điện Biên, Mường Phăng và những ai đến đây cũng chung một cảm xúc, và cảm xúc ấy đã được tác giả Lê Anh Phong thốt lên rằng:

Thân thiện nồng nàn những ánh mắt Mường Phăng

"Rừng chiến dịch”

"Rừng nhân dân”

"Rừng Đại tướng”

Mường Phăng

Nghe lịch sử vọng về muôn kỳ tích!

TUẤN PHẠM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh