CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:15

Tham nhũng cháy âm ỉ trong quân đội Trung Quốc

 

“Mầm mống” tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng trong các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Đó là cảnh báo được đăng tải trên tờ Quân Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), số ra ngày 16/12. Theo Reuters, lời lẽ này là dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ duy trì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” trong quân đội trong năm 2016.

Buôn lậu bằng tàu chiến

Theo bài viết, mặc dù cuộc chiến diệt trừ tham nhũng đang tiến triển nhưng “các xu hướng không lành mạnh” vẫn âm ỉ và những “mầm bệnh” (tham nhũng) chưa bị nhổ rễ.

Ông Tập đang ưu tiên chống tham nhũng trong quân đội giữa lúc có những cảnh báo khả năng chiến đấu của PLA có thể suy yếu bởi căn bệnh trầm kha này. Bằng chứng là đã có 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương - Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng  bị “sờ gáy”.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay các thủy thủ trên tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn Ảnh: TÂN HOA XÃ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay các thủy thủ trên tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn                     Ảnh: TÂN HOA XÃ

 

Đến nay, trong số vụ tham nhũng trong lịch sử quân đội Trung Quốc, lớn nhất là vụ án của cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc Cốc Tuấn Sơn. Theo trang tin Sina, riêng công tác kiểm kê và tịch biên tài sản tại khu biệt thự của ông này ở TP Bộc Dương, tỉnh Hà Nam hồi năm 2012 phải mất đến 2 đêm với sự tham gia của 20 sĩ quan bán quân sự.

Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 10-12 thông báo sẽ truy tố ra tòa án binh ông Lý Minh Toàn - quan chức phụ trách bộ phận thiết bị của Tổng cục Hậu cần - với cáo buộc “vi phạm luật pháp nghiêm trọng” (ám chỉ tham nhũng).

Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch trấn áp tham nhũng trong các lực lượng vũ trang từ cuối những năm 1990 và cấm ngặt quân nhân tham gia kinh doanh.

Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng các hoạt động phi quân sự vì mục đích lợi nhuận đã đẩy nhiều tướng lĩnh quân đội vào con đường tha hóa như lợi dụng chức quyền và thế lực để mưu lợi cá nhân. Một số phương tiện truyền thông cho biết nhiều quan chức hải quân sử dụng cả tàu chiến để buôn lậu hàng gia dụng và xe hơi.

Cải cách gập ghềnh

Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình còn loan báo về đề cương cải cách quân đội, một phần để hiện đại hóa, một phần để đối phó tình trạng tham nhũng tràn lan.

Kế hoạch của ông Tập được coi là thay đổi lớn nhất đối với PLA từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cắt giảm quân số và thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm gánh nặng ngân sách quốc phòng. Theo đó, PLA tăng thu nhập từ việc để các bệnh viện quân đội chữa bệnh cho dân thường, cho thuê cơ sở nhà xưởng của quân đội, thuê các công ty xây dựng bên ngoài thực hiện nhiều dự án, cho phép các học viện quân sự đào tạo các ngành dân sự.

Tuy nhiên, một hội nghị của Quân ủy Trung ương (CMC) gần đây quyết định chấm dứt tất cả các hoạt động này để “thanh lọc” quân đội, loại bỏ mầm mống tham nhũng. “Việc chấm dứt hoàn toàn những hoạt động vì lợi nhuận bên ngoài sẽ làm trong sạch và giữ gìn hình ảnh của quân đội” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân cho biết.

Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Một nhà khoa học chính trị ở Thượng Hải nói tham nhũng chính là lý do khiến kế hoạch chấm dứt những hoạt động phi quân sự trong quân đội Trung Quốc không thành công.

Theo chuyên gia này, quân đội nắm giữ nhiều tài sản, đất đai là những thứ rất dễ khiến tướng lĩnh nhúng chàm. Trang tin Đa chiều của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại cho rằng cải cách quân đội của Trung Quốc đang gặp phải sự chống đối của một số sĩ quan.

Từ cuối tháng 9, Ban Chỉ đạo cải cách đã triệu tập nhiều cuộc họp thảo luận các phương án nhưng không đi tới kết luận do nhiều ý kiến trái chiều. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhất là tờ Quân Giải phóng, đăng nhiều bài viết kêu gọi các đơn vị, sĩ quan trong diện cải cách phải tuân thủ đường lối chính sách. Tờ báo này cũng phê phán một số tướng lĩnh khi cứ tính toán thiệt hơn.

 

Nhiều tỉ phú ngồi tù

Hơn 1% người giàu nhất Trung Quốc đã ngồi tù trong 17 năm qua, thậm chí bị xử tử, phần lớn do hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc là tội phạm kinh tế.

Theo thống kê, trong số hơn 3.000 tỉ phú từng có tên trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Hurun Report từ năm 1999, có 35 người vướng vào vòng lao lý. Gặp rắc rối về pháp luật cao nhất là nhóm tỉ phú bất động sản (11 người), theo sau là những đại gia trong ngành công nghiệp tài chính (9 người).

Hầu hết những tỉ phú bị kết án sống ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Lứa tuổi và bản án trung bình của họ lần lượt là 47 và 10 năm tù. Ông Rupert Hoogewerf, người sáng lập Hurun Report, cho biết con số nói trên thấp hơn so với số lượng quan chức chính phủ và “sếp” các doanh nghiệp nhà nước bị bắt giữ hoặc điều tra vì tham nhũng.

Trong số tỉ phú bị “sờ gáy” vì tham nhũng có Từ Minh, nhà sáng lập Tập đoàn Đại Liên Thực Đức (Dalian Shide) và là đồng minh thân thiết của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông Từ vừa chết trong tù đầu tháng này vì đau tim.

Vào tuần trước, sự mất tích của tỉ phú Quách Quảng Xương, Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh, làm dấy lên tin đồn ông bị điều tra tham nhũng. Ông Quách xếp hạng 17 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của Hurun Report trong năm nay.

Theo Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh