THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:40

Thâm nhập “thủ phủ” mỹ phẩm dởm

Đường mòn phía sau chợ Lũng Vài - một trong những con đường mà các đối tượng dùng để vận chuyển mỹ phẩm dởm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Lần theo dấu vết

Sau khi được các ông trùm chuyên pha chế và cung ứng mỹ phẩm dởm bên đất Lũng Vài (Trung Quốc) quảng bá về năng lực của mình, tôi lấy lý do cần tham khảo thêm rồi tìm cách rút lui.

Mỹ phẩm chỉ có hai con đường về nước, một là chính ngạch, hai là đi theo lối mòn đường rừng xuyên biên. Dĩ nhiên, cả hai con đường này đều không lạ với các cửu vạn và bao biên. Con đường mòn không đâu xa lạ, chính là con đường nhỏ phía sau chợ Lũng Vài. Khi đã cải trang giống người vượt biên đang tìm lối về, tôi đã đặt chân lên lối mòn ấy.

Đó là con đường rất đáng sợ. Lối nhỏ, ống kim tiêm đỏ au máu vương vãi khắp đường. Nguy hiểm hơn vẫn là lực lượng “chim lợn” và đám bảo kê, nghe đâu còn có cả các đối tượng trốn truy nã, những người này sẵn sàng xuống tay nếu phát hiện một biểu hiện nghi ngờ, ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo và độ an toàn của đường dây. 

Kiều đang dán nhãn Trung Quốc vào mỹ phẩm để chuẩn bị qua biên giới.

Khi tiến sát hàng thép gai nơi ranh giới hai nước Việt – Trung, tôi phát hiện ra nơi đây có một nhà kho, cánh cửa đang hé mở, bên trong có hai phụ nữ đang dán nhãn mác vào các lô mỹ phẩm. Thấy tôi gõ cửa xin vào, như bắt được đầu mối, hai người phụ nữ tự giới thiệu, một là người Việt, tên Kiều, người kia là chủ, người Hoa.

Quan sát thoáng qua, tôi thấy đây là một kho mỹ phẩm với rất nhiều loại, được thể hiện dưới nhiều hình ảnh bắt mắt, nhiều ngôn ngữ như Thái, Hàn, Nhật, có cả hình ảnh một loạt mỹ phẩm đang chuẩn bị ra lò,... song đều là hàng dởm tự pha. Thấy tôi giới thiệu đang tìm nguồn hàng về kinh doanh, bà chủ người Hoa mời chào bằng tiếng Việt: “Mỹ phẩm làm trắng da kiểu gì nhà mình cũng làm được, anh đặt hàng để mình làm cho...”.

Một loại mỹ phẩm làm trắng da được pha chế tại Trung Quốc.

Cũng như cách mà các ông trùm pha chế mỹ phẩm khác thường làm, bà chủ người Hoa này cũng có một xưởng pha chế mỹ phẩm, chuyên pha chế các loại mỹ phẩm làm trắng da siêu tốc. Hoặc, bất cứ loại mỹ phẩm nào bán chạy bên Việt Nam là bà cho... nhái theo. Cùng với đó, bà ta cũng tự dán nhãn mác cho một số loại mỹ phẩm mới do xưởng mình tự pha chế.

Tôi đồng ý làm, song lại tỏ ra rất lo lắng về con đường vận chuyển mỹ phẩm này về nước bởi không yên tâm lắm với đội cửu vạn và đội bao biên.

Tức thì, Kiều lên tiếng: “Với những sản phẩm đóng gói sẵn như thế này mình phải dán nhãn và mã vạch của Trung Quốc mới đưa ra khỏi Trung Quốc được. Khi sang đến Việt Nam rồi, người ta sẽ bóc nhãn mác đi, không sao hết, dễ dàng và ngon ơ ấy mà”. Kiều nói, đồng thời đưa cho tôi xem một số mỹ phẩm đã được dán nhãn mác mới.

 

Bên ngoài là mác chữ Hoa, bên trong là chữ Hàn, đây là chiêu thức để được an toàn khi vận chuyển mỹ phẩm về nước.

Chỉ có vậy mà thoát được sự kiểm soát của cơ quan chức năng ư?. “Đây là cách lách cơ quan chức năng khi vận chuyển về nước. Đó là trường hợp ở khu vực biên giới thôi, chứ về đến xuôi là phải dán thêm chữ Việt vào, nếu không sẽ bị soi về nhãn mác” – Kiều nói.

Nghĩa của chữ Việt ở đây đơn giản thôi, đó là ghi công dụng của sản phẩm, mà điều này có thể bịa, quảng cáo, chứ người dùng làm sao mà biết được các loại chữ Thái, Hàn, Nhật trên mỗi lô mỹ phẩm tắm trắng có nghĩa như thế nào. Và, đây cũng là mánh lới làm ăn của giới kinh doanh pha chế mỹ phẩm vùng biên.

Cửu vạn, chủ xe là những mắt xích...

Theo lời giới thiệu của cánh cửu vạn, tôi tìm gặp bà Hoa, một người Việt, sống ở biên giới, hiện đang quản lý hàng trăm cửu vạn. Thấy tôi lo lắng cách thức vận chuyển mỹ phẩm về nước, bà Hoa cười giòn tan: “Gì chứ vận chuyển hàng xuyên biên là nghề của tôi mà. Loại mỹ phẩm mà anh đã thấy và đang có ý định kinh doanh kia là hàng cấm.

Thì cấm! Nhưng tôi đã vận chuyển hàng nghìn chuyến rồi. An toàn hết. Giả dụ như chim xanh (chỉ các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan) ở Lạng Sơn làm ngặt quá, tôi có thể vận chuyển xuống Móng Cái cho anh, anh nhận hàng ở Móng Cái cũng được chứ?”.

Một loại mỹ phẩm làm trắng da tại đại lý Đồ Chu - Lũng Vài, đang chờ dán mác để đưa về nước

Cũng theo bà Hoa, mỹ phẩm này là hàng cấm, hàng nguy hiểm, nên giá cao hơn, nếu số lượng vận chuyển nhiều thì bà sẽ bớt giá. Tính theo cân, giá là 300. 000 đồng/tạ. Trong đó bao gồm cả chi phí đảm bảo an toàn cho hàng xuyên biên, mất hoặc bị bắt, bà trùm này sẽ chịu trách nhiệm, giao hàng ở Việt Nam, giao xong sẽ lấy tiền.

Nếu muốn đưa lên xe về bất cứ tỉnh nào cũng được hết, bà trùm này lo chu toàn luôn, miễn sao làm ăn phải sòng phẳng. Việc hàng từ biên giới về đại lý cũng yên tâm, đội lái xe cũng như cửu vạn, họ nhận rồi thì ắt sẽ biết kín miệng. Bao nhiêu năm nay bà làm ăn đều theo quy ước đó.

Qua bà trùm bao biên, nhà pha chế và nhân viên tiếp thị mỹ phẩm, tôi biết khi về qua biên giới, mỹ phẩm dởm, nhái, kém chất lượng này sẽ theo hai hướng về xuôi, một là gửi qua xe ô tô, hai là gửi qua đường tàu hoả. Dù đi bất cứ đâu, cả hai phương tiện này đều đảm bảo được hết.

Thị trường phân phối của các ông trùm pha chế mỹ phẩm này trải dài ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Hà Nội và Bắc Ninh là hai thị trường lớn nhất. Ngày nay, nhu cầu làm đẹp của các phụ nữ càng tăng, các ông trùm pha chế mỹ phẩm đất Trung Quốc cũng nhân đó mà móc nối với các đối tác bên Việt Nam, không ngừng tìm cách tuồn mỹ phẩm dởm về nước. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam (đối diện thủ phủ mỹ phẩm Lũng Vài là Cửa khẩu Cốc Nam, thuộc tỉnh Lạng Sơn), đơn vị vẫn thường xuyên bắt được các đối tượng vận chuyển mỹ phẩm trái phép từ Trung Quốc về, số lượng từ một vài tuýp nhỏ cho đến một vài thùng, có lúc lên đến trên dưới chục kg. Đội quân vận chuyển mỹ phẩm dởm chủ yếu đi ở hai bên cánh gà trụ sở hải quan và đường rừng vào ban đêm với nhiều hình thức hoạt động rất tinh vi.

Ông Hoàng Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, mỹ phẩm xuất xứ từ Trung Quốc được đưa về nước có rất nhiều loại, nhìn bên ngoài thấy có cả chữ Thái, Hàn, Nhật, có loại đựng cả vào can, màu đục, quánh, không có nhãn mác, trước đây có lần sau khi đổ mỹ phẩm xuống hố tiêu huỷ, nhân viên chi cục còn thu được cả tiền bán can để sung vào quỹ đoàn.

Ngày nay, các đối tượng vận chuyển mỹ phẩm đã hoạt động tinh vi hơn rất nhiều, để bắt và xử phạt được cũng không phải dễ. Năm 2014, đơn vị này chỉ kiểm tra được 193 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 29 vụ, quý I năm 2015 mới kiểm tra được 30 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 13 vụ với đầy đủ các loại mỹ phẩm chăm sóc da.

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh