Thái Nguyên: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 2% trở lên.
- Dược liệu
- 22:10 - 12/12/2017
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đi vào thực chất hiệu quả. Cụ thể: Ngày 29/6/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1845:/QĐ-UBND về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 – 2020.
Mô hình trồng chè Vietgap giúp nhiều hộ nông dân Thái Nguyên thoát nghèo.
Theo đó, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu, phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 2% trở lên, địa bàn xã đặc biệt khó khăn từ 3,5% trở lên; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015; đảm bảo hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 như: tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đi học đạt 98% trở lên; 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 100% hộ nghèo có đăng ký vay vốn làm nhà trên địa bàn tỉnh; phấn đấu 95% trở lên người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu trợ giúp pháp lý; phấn đấu 80% lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo trở lên có nhu cầu vay vốn được ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới ...
Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ...; ưu tiên người nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ, trẻ em ...
Do nắm chắc được tình hình hộ nghèo, nên UBND tỉnh đã chủ động ngay từ ban đầu về việc thực hiện các Chương trình giúp nhân dân các xã thoát nghèo, bằng việc hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, máy móc giúp nhân dân chủ động được các kỹ thuật chăm sóc để tăng năng suất lao động.
Chỉ tính riêng năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 12,76 tấn giống, tương ứng với diện tích trồng cấy là 363 ha, cho 738 hộ nghèo tham gia. Tập trung hỗ trợ giống ngô lai thực hiện tại các xã 135 của 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai. Hỗ trợ 7.500 cây giống ăn quả, tương ứng với diện tích trồng là 13,6ha cho 106 hộ tham gia. Cây công nghiệp (cây Chè) hỗ trợ 314.468.845 cây giống, trồng 19,45ha, với 137 hộ tham gia. Tập trung chủ yếu là giống chè cành có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, tập trung ở 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai. Cây quế hỗ trợ cho 24 hộ, trồng trên diện tích 11,75ha với tổng 17.106 cây giống ở xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai.
Nhờ được hỗ trợ con giống nhiều hộ nghèo ở Thái Nguyên đã vươn lên thoát nghèo.
Đối với vật nuôi: hỗ trợ 3.044 con giống cho 1.072 hộ cụ thể: giống gia súc: 1.844 con giống (trâu, bò, lợn, dê) cho 1.071 hộ, tương đương kinh phí 8.613,073 triệu đồng được thực hiện tại 6 huyện là Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình. Về phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất: hỗ trợ 459,581 tấn phân bón cho 4.073 hộ. Thức ăn chăn nuôi là 8.415 tấn.
Mô hình sản xuất: thực hiện 9 mô hình gồm có mô hình trồng quế tại Võ Nhai, nuôi lợn nái tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, mô hình sử dụng phân bón NPK, mô hình phát triển sản xuất chè kinh doanh, bưởi diễn tại thị xã Phổ Yên với tổng số 1.182 hộ tham gia. Năm 2016 tỉnh đã cho thử nghiệm và nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ có 26 hộ tham gia vào dự án này.
Nhờ những chính sách hỗ trợ, đến nay nhiều mô hình phát triển kinh tế, bà con đồng bào đã làm ăn hiệu quả, có bát ăn, bát để, tích lũy dần tiến tới từng bước thoát nghèo đảm bảo an sinh xã hội.