CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Thái Nguyên: Hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Chương trình cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm.Với chức năng chuyên quản lý và cho vay các chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên nói chung đã tận dụng nguồn vốn để giải ngân cho vay đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn của quỹ để cho vay, vì vậy, hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao. Chương trình cho vay tạo việc làm đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nhiều điển hình trong  sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở Thái Nguyên. Mô hình sản xuất của hộ gia đình ông Vũ Trí Long (trú tại xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là một ví dụ. Ông Long cho biết: Gia đình ông vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ từ năm 2001 với số tiền vỏn vẹn 3 triệu đồng để thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn này, gia đình ông Long mua bò và trồng cỏ voi để phát triển kinh tế. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm, mà chỉ sau 2 năm (2003) từ một hộ nghèo, gia đình ông Long đã có kinh tế khá ổn định tại địa phương. Tới năm 2009, số lượng đàn bò đã lên tới hàng chục con, giá trị thời điểm đó khoảng 400 triệu đồng.

Thời gian sau đó, bò trượt giá, nên ông Long quyết định chuyển từ việc nuôi bò qua chăn nuôi lợn rừng. Để tiếp tục mở rộng kinh doanh, ông Long vay thêm 20 triệu đồng từ gói vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng hỷ. Bên cạnh việc chăn nuôi lợn rừng, gia đình ông Long đầu tư thêm nuôi hưu và trồng chè.  Không chỉ thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Long còn góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng hơn chục lao động với thu nhập tương đối ổn định.

Mô hình nuôi bò sinh sản mang lại hiệu kinh tế quả cao

Mô hình nuôi bò sinh sản mang lại hiệu kinh tế quả cao

Một ví dụ điển hình khác về việc sử dụng hiệu quả gói vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm là gia đình bà Vũ Thị Hạnh (xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Đầu năm 2018, gia đình bà Hạnh vay 44 triệu đồng từ gói vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ. Với số vốn này cộng thêm nguồn kinh phí tự có, gia đình bà đã phát triển trang trại nuôi gà với số lượng khoảng 8.000 con. Với tần suất mỗi năm 3 lứa, trang trại gà mang lại cho gia đình bà Hạnh nguồn kinh tế ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Theo đại diện chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên, để quản lý tốt nguồn Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể trong việc ủy thác, hướng dẫn thủ tục bình xét đối tượng vay vốn. Ngân hàng tiến hành giải ngân cũng như thu hồi vốn và lãi tại các điểm giao dịch vào các ngày cố định trong tháng, tạo thuận lợi cho người vay vốn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Định kỳ hàng tháng, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện kiểm tra tình hình vốn cho vay, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay

Hà Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh