Thái Nguyên ký kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động yếu thế
- Bài thuốc hay
- 21:22 - 12/12/2017
Thực hiện Công văn số 2324/UBND-VX về việc Tuyển dụng lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo vào làm việc tại công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đối tác của Samsung, lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên đã ký kết giao ước với Sở LĐ-TB&XH về việc tuyển dụng lao động là đối tượng hộ nghèo và cận nghèo vào làm việc tại Công ty. Công ty và các doanh nghiệp phụ trợ của Samsung Electronics Thái Nguyên cam kết tuyển dụng toàn bộ các đối tượng lao động này theo cơ chế ưu tiên tăng độ tuổi từ 40 lên 45, hạ thấp các yêu cầu về trình độ văn hóa từ THPT xuống THCS. Ngay sau lễ ký kết, đã có trên 1.300 lao động trong diện này tham gia phỏng vấn trực tiếp, phân loại nghề và việc làm.
Đặc biệt, Công ty Samsung Electronics Thái Nguyên cũng đã tổ chức tuyển dụng các nghề, việc làm phụ trợ thông qua tuyển dụng của các đơn vị thành viên của Samsung nằm trong khu công nghiệp Samsung Electronics Thái Nguyên. Đây là một trong những chính sách mới trong việc phối hợp cùng giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với đối tượng hộ nghèo và cận nghèo.
Sau hơn 1 năm thực hiện giải pháp này, đến này toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 970 lao động yếu thế của 9 huyện, thành, thị trong tỉnh được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tuyển dụng 117 lao động yếu thế và các đơn vị phụ trợ tuyển dụng 353 lao động; các doanh nghiệp khác tuyển dụng được 372 lao động.
Thái Nguyên ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động yếu thế ( nguồn: Internet).
9 tháng đầu năm, toàn tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết việc làm mới cho hơn 16 nghìn lao động. Trong đó: TP.Thái Nguyên tạo việc làm mới cho 8.000 LĐ; thị xã Phổ Yên giải quyết việc làm cho trên 1.500 người; huyện Đồng Hỷ giải quyết việc làm cho gần 1.600 người, huyện Đại Từ giải quyết việc làm cho 1.900 người…
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên, việc các doanh nghiệp hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng và nâng mức tuổi tuyển dụng từ 32 tuổi đến trên 40 tuổi đã tạo cơ hội để đối tượng yếu thế tìm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, để giữ được việc làm lâu dài và mức thu nhập ở mức khá (từ 4 triệu đồng/tháng trở lên), lao động yếu thế trong tỉnh cần được bồi dưỡng thêm những kỹ năng còn thiếu, huấn luyện tác phong, kỷ luật lao động và đề nghị các doanh nghiệp cụ thể hoá cơ chế ưu đãi đặc thù đối với lao động thuộc nhóm chính sách này…
Năm 2016, toàn tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 25 nghìn lao động. Như vậy, những tháng còn lại, toàn tỉnh sẽ phải giải quyết việc làm cho 9 nghìn lao động. Theo ông Nguyễn Thành Long, để hoàn thành mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục lập kế hoạch và triển khai giám sát việc thực hiện Chương trình về việc làm và dạy nghề tại các huyện, thành phố và thị xã; triển khai tích cực chương trình giải ngân vốn vay giải quyết việc làm tại các huyện, thành phố, thị xã; triển khai kế hoạch thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động năm 2016; đẩy mạnh truyền thông về việc làm - xuất khẩu lao động năm 2016…