THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 10:43

Thái Bình: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước phục hồi thị trường lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, đến hết tháng 10/2021, các địa phương, doanh nghiệp đã tạo việc làm mới cho gần 22.000 lao động (đạt 64% kế hoạch năm), trong đó việc làm tại địa phương là 16.700 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài 4.280 lao động, đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài 990 lao động. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị tăng, chiếm khoảng 2,25%. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng đến khoảng 12.500 lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó 4.700 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên, 1.800 lao động ngừng việc tạm thời, trên 6.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dịch bệnh tác động lớn đến thị trường lao động, nhất là lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động làm việc trong 3 ngành kinh tế chính là dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp.

Ngoài ra, dịch COVID-19 khiến nhiều Hợp tác xã trên địa bàn gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động, chi trả chi phí cố định, lãi vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cạnh tranh thị trường, liên kết giữa các hộ thành viên, hợp tác xã và đối tác có liên quan. Theo thống kê, đến nay có 1.520 hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến thu nhập của trên 2.400 lao động.

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch từ tháng 4/2021 đến nay khiến các hoạt động tư vấn, tuyển lao động, cung ứng nguồn, liên kết đào tạo, định hướng lao động xuất khẩu của Trung tâm bị ảnh hưởng. Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Thái Bình như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Nhiều thị trường tạm dừng tiếp nhận lao động. Trong khi đó, tình hình thị trường lao động trong nước cũng bị ảnh hưởng không kém. Nhiều công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân công, không có nhu cầu tuyển dụng mới. Để chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh hoạt động khai thác và cung ứng thông tin thị trường lao động qua khai thác trực tiếp thông tin tại doanh nghiệp, qua website, tài khoản mạng xã hội, tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho biết, để từng bước, tỉnh thực hiện linh hoạt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị thất nghiệp, dừng việc do dịch, lao động di chuyển từ tỉnh ngoài về địa phương. Đồng thời, tỉnh tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại lao động, đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời phối hợp tham mưu thực hiện chính sách khuyến khích thanh niên, lao động trẻ tích cực học tập, nâng cao trình độ để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình cho biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội đã đưa ra các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, đề xuất với các cấp chính quyền những biện pháp tháo gỡ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo và các Tiểu ban thực hiện các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó tác động của đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi tập trung tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành TW, chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thiết thực hiệu quả trong đó tham mưu cụ thể hóa các điều kiện để được thụ hưởng; Hướng dẫn cụ thể hồ sơ phù hợp với thực trạng các doanh nghiệp của tỉnh và thẩm định kịp thời để người lao động trong doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của chính phủ trong thời gian sớm nhất giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và ổn định khi sản xuất kinh doanh trở lại sau đại dịch Covid-19”- ông Vẻ nói.

Cũng theo ông Vẻ, quá trình rà soát, đặc biệt là nắm bắt tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng quy mô lớn về sản xuất hàng xuất khẩu, Hiệp hội đề nghị tỉnh cho thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh, bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách tỉnh cho quỹ theo quy định của Chính phủ để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn quỹ nêu trên, giúp cho sản xuất kinh doanh được thuận lợi. Tiếp tục giãn, hoãn  miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế, và phí phải nộp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; Giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh; giãn, hoãn và giảm các khoản nộp Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covit-19; Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý, chưa thu phí  từ hoạt động xuất nhập khẩu…

ĐK
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh