THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:09

Nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0

 

ảnh minh họa

Ngành sản xuất Việt trước tác động của cách mạng 4.0

Báo cáo này được Navigos Group thực hiện dựa trên sự phân tích của hơn 3.200 câu trả lời từ ứng viên và người tìm việc cũng như ý kiến của hơn 200 doanh nghiệp ngành sản xuất trong cơ sở dữ liệu của 2 đơn vị thành viên của tập đoàn tuyển dụng nhân sự này là VietnamWorks và Navigos Search.

Navigos Group kỳ vọng kết quả từ “Báo cáo chân dung nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0” sẽ cung cấp cho doanh nghiệp ản xuất những thông tin cần thiết cho việc hoạch định các chiến lược nhân sự phù hợp nhằm đưa doanh nghiệp bắt kịp với xu hướng công nghiệp 4.0 của toàn cầu và phát triển ngày càng bền vững. Bên cạnh đó, những kết quả phân tích từ hai chiều cũng sẽ cung cấp cho ứng viên trong ngành này có kế hoạch phát triển kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong thời đại 4.0.

Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo mới được Navigos Group công bố là kết quả khảo sát về tác động của công nghiệp 4.0 và sự sẵn sàng của doanh nghiệp ngành sản xuất Việt Nam đối với cuộc cách mạng này.

Theo kết quả khảo sát, 81% ứng viên và 86% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Navigos Group cho biết doanh nghiệp của họ đang áp dụng tự động hóa quy trình sản xuất.

Cụ thể, 46% doanh nghiệp đang áp dụng dưới 30% tự động hóa quy trình sản xuất; 18% doanh nghiệp đang áp dụng từ 30-50% tự động hóa quy trình sản xuất; và 14% doanh nghiệp đang áp dụng đến 70% tự động hóa quy trình sản xuất. “Các con số này đang phản ánh sự dịch chuyển của các doanh nghiệp ngành Sản xuất trong giai đoạn áp dụng quy trình sản xuất mới”, Navigos Group nhận định.

Cũng theo báo cáo của Navigos Group, khi được hỏi về quan điểm đối với việc chuyển đổi sang mô hình tự động hóa, cả nhóm ứng viên và doanh nghiệp đều chia sẻ những ý nghĩa tích cực về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, hai quan điểm được cả 2 nhóm – doanh nghiệp và ứng viên, lần lượt lựa chọn nhiều nhất là: Nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí (48% ý kiến ứng viên và 59% ý kiến doanh nghiệp); Tự động hóa là điều tất yếu trong lĩnh vực sản xuất (30% ý kiến ứng viên và 25% ý kiến doanh nghiệp). Và chỉ có 3% ý kiến của cả 2 nhóm ứng viên và doanh nghiệp được khảo sát cho rằng “tự động hóa sẽ khiến hàng loạt người lao động mất việc làm”.

Bên cạnh đó, báo cáo của Navigos Group còn cho hay, các doanh nghiệp đánh giá họ đã có những hành động bắt kịp làn sóng công nghệ mới khi đầu tư vào máy móc (65% ý kiến doanh nghiệp), hệ thống dữ liệu (41% ý kiến doanh nghiệp) cũng như thay đổi phương thức quản lí (44% ý kiến doanh nghiệp), đào tạo (39% ý kiến doanh nghiệp), tuyển dụng (21% ý kiến doanh nghiệp).

Về phía ứng viên, việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn (53% ý kiến ứng viên) và ngoại ngữ (47% ý kiến ứng viên) đang trở nên phổ biến. Tuy nhận thức rõ, người lao động là công nhân sẽ chịu ảnh hưởng lớn của tự động hóa (70% ý kiến của ứng viên và 70% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát), cả hai đối tượng này đồng tình cho rằng sự chuyển dịch tự động hóa là điều tất yếu đối với tương lai của ngành sản xuất.

Ông Gaku Echizenya - CEO Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói ngành sản xuất đã và đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nếu không mạnh dạn nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 thì những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ là những điểm đến lý tưởng hơn cho các nhà đầu tư. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng công nghệ để đổi mới quy trình sản xuất thì việc đào tạo đội ngũ nhân lực cần phải được các doanh nghiệp tại Việt Nam đặc biệt chú trọng”.

Yêu cầu quan trọng nhất trong tuyển dụng nhân sự ngành sản xuất?

Đề cập đến những điều kiện cần để ứng viên có thể làm việc trong ngành sản xuất, báo cáo mới được Navigo Group công bố chỉ ra rằng, trong ngành sản xuất, kiến thức chuyên môn được coi là yếu tố cần thiết nhất trong tuyển dụng: có đến 73% ứng viên tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến này; và có tới 67% doanh nghiệp trả lời sẽ từ chối tuyển dụng nếu ứng viên không có kiến thức chuyên môn.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát, các yếu tố liên quan đến kỹ năng giải quyết vấn đề và tính kỷ luật cũng được các doanh nghiệp ngành sản xuất coi trọng, tương ứng với 42% và 39% ý kiến của ứng viên tham gia khảo sát.

Ngoài ra, các ứng viên tham gia khảo sát của Navigos Group cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế đang tồn tại trong lực lượng lao động tại doanh nghiệp mình, trong đó đang lưu ý là tính thiếu chủ động trong công việc (72% ứng viên lựa chọn); thiếu tinh thần học hỏi (45% ứng viên chọn); thiếu kiến thức chuyên môn (36%)…

Từ dữ liệu khảo sát, Navigos Group cho biết: “Công việc ổn định” là từ khóa quan trọng nhất đối với nhân sự ngành sản xuất. 41% ứng viên chia sẻ khi tìm kiếm việc làm thì yếu tố ổn định đóng vai trò quan trọng nhất. Về phía doanh nghiệp, 57% cho biết “công việc ổn định” hiện đang là yếu tố đứng đầu khi giữ chân nhân sự trong tổ chức.

Một dữ liệu khác cũng rất tương đồng với độ gắn bó của nhân sự ngành sản xuất khi có 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết công ty họ có tỷ lệ nghỉ việc dưới 20%/năm. Về phía ứng viên, 40% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ đang gắn bó với công ty hiện tại trên 5 năm.

Mặc dù vậy, 55% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ nhận thấy doanh nghiệp mình làm việc đang thiếu lao động trầm trọng. 37% cho biết khối lượng công việc của họ tăng cao do bị ảnh hưởng bởi việc thiếu lao động này. Về phía doanh nghiệp, 35% cho biết doanh nghiệp họ thiếu các nhân sự đạt được yêu cầu về chất lượng công việc. Thiếu số lượng ứng viên nhận được 14% ý kiến đồng tình.

 


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh