THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:58

Thạc sĩ Úc về quê làm mắm

 

Có bằng thạc sĩ quốc tế về biến đổi khí hậu nhưng chị Hằng lại theo đuổi đam mê làm mắm ruốc.


Câu hỏi từ...7 viên gạch

Chị Hằng sinh ra ở thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) nên mang nét đẹp mặn mà của người con gái bên dòng Thạch Hãn. Gia đình chị nổi tiếng vì... nghèo nhất xóm chài, nhưng bản thân chị lại cũng nổi tiếng học giỏi, thậm chí là giỏi nhất trường Ái Tử và giành ngôi thủ khoa Đại học Nông lâm Huế với 26 điểm.Cuộc sống của gia đình Hằng gắn liền với con sóng của dòng sông Thạch Hãn. Chị kể, trong suốt nhiều năm, sau những mẻ luới giăng bắt trên sông, người cha bao giờ cũng chọn những con tôm, cá to để đưa ra chợ bán, số tép riu còn lại thì đưa lên núi đổi lấy khoai, sắn để đàn con ăn thay cơm. Bởi gia cảnh khó khăn nên dù học giỏi cô bé Hằng cũng không dám mơ đến giảng đường đại học, mà chỉ mong có chút vốn liếng học nghề cắt tóc gội đầu, một “nghề  truyền thống” của thanh niên nghèo vùng vú cát Ái Tử. Để có tiền, Hằng đi bốc gạch thuê. Do cùng lúc bưng 7 hòn gạch to tướng trước bụng, gạch nặng quá khiến cô bé xiêu vẹo, lảo đảo trong cái nắng gay gắt của gió Lào.

Nhiều hôm Hằng rơi nước mắt và tự hỏi: Đây có phải là cuộc đời của mình không? Rồi chính Hằng đã tìm ra câu trả lời, rằng “không thể mãi mưu sinh với nghề bốc gạch”. Quyết tâm thay đổi cuộc đời mình, Hằng về xin ba mạ (mẹ) cho thi đại học, và chị đỗ thủ khoa trường Đại học Nông lâm Huế. Tin vui này Hằng không dám nói cho ba mẹ biết vì cảm thấy có lỗi, vì theo cảm nhận của Hằng, việc mình đi học sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho gia đình, ba mẹ sẽ phải kéo thêm nhiều mẻ lưới... 

Xưởng sản xuất mắm của chị Hằng tại Ái Tử.

Sinh hoạt phí của cả gia đình Hằng hồi đó chỉ bằng một tháng tiền chi phí cho một sinh viên ở Huế. Thế nhưng, như chuyện cổ tích giữa đời thường, Hằng vẫn đi học và giành được học bổng sang Úc, và khi có thể ở Úc học tiến sĩ thì Hằng lại trở về bên dòng sông Thạch Hãn. “Mình quan niệm, du học là để giải quyết những vấn đề của mình và xã hội, chứ không phải lấy cái bằng về khoe. 7 viên gạch ôm trước bụng đã ám ảnh tuổi thơ một đứa trẻ như mình, giúp mình hun đúc ước mơ phải biết hành động để đưa gia đình thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác”, Hằng tâm sự.

Khởi động với mắm ruốc

Trong khi các du học sinh nước ngoài về Việt Nam lập nghiệp, hầu hết họ đều theo những chuyên ngành nhàn nhã hái ra tiền như kiến trúc, công nghệ, sinh hóa, hay chí ít là quản trị doanh nghiệp, thì Đào Thị Hằng quay ngoắt 180 độ, từ chuyên ngành chống biến đổi khí hậu sang làm mắm ruốc. Ngày trở về từ Úc, việc đầu tiên Hằng làm là ôm chầm lấy ba mẹ cho thỏa nhớ trong những ngày xa cách. Tiếp đó, chị lùng sục vào những lu, những hũ, những chum đựng mắm của gia đình  và các hộ dân liền kề để hít hà, để cảm nhận mùi quê hương. Không biết có phải vì thế hay không mà sau này, dù bao nhiêu tập đoàn mời Hằng về làm việc với mức lương cao ngất ngưởng, chị đều từ chối.

Theo tiếng gọi của... mùi nước mắm, chị Hằng đến khắp các làng chài miền Trung và từng nhiều lần rớt nước mắt khi nắm chặt đôi bàn tay khô sần nẻ nứt của những mế, những mẹ trực tiếp chưng cất mắm. Cảm nhận cái nghèo hằn lên khuôn mặt, dáng hình người nông dân, Hằng càng thêm quyết tâm phải làm điều gì đó để các mế, các mẹ bớt khổ.

Tâm đắc với sản phẩm mắm sạch.

Sẵn tuổi thơ quần quật với những bờ sông, chị Hằng về học thêm kinh nghiệm làm mắm từ mẹ. Chị tự tay chọn tôm, tự tay ngâm ủ thử mắm suốt cả năm ròng. Không biết bao nhiêu lu mắm không thành công, cũng rất nhiều lu mắm dù được khen ngon mà chị vẫn chưa hài lòng, tất cả chị đều đem... đổ bỏ để thêm quyết tâm làm lại từ đầu. Cho đến một ngày, với công thức truyền thống nhất, lu mắm thơm nức mũi lại đậm đà như được lọc qua cát trắng khiến chị hài lòng. “Cách chế biến mắm truyền thống vô cùng tỉ mỉ. Mình phải thử đi thử lại cho đến khi chắc chắn mới thôi. Rồi mình nghĩ, phải đưa mắm ra thị trường, mắm ngon quê mình không thể chỉ quanh quẩn mãi bên mâm cơm nhà. Mắm ngon phải được chia sẻ”, chị Hằng bộc bạch.

Thuyền nan ra biển

Chỉ ít lâu sau, trên thị trường ở Quảng Trị xuất hiện một loại mắm mới mang tên Thuyền Nan. Chị Hằng say sưa giải thích: “Thuyền nan là hình ảnh truyền thống của ngư dân nước ta. Vì thế mà mắm Thuyền Nan cũng sẽ chỉ làm theo công thức truyền thống. Tôi muốn hình ảnh thuyền nan của ngư dân vươn ra biển lớn, để bạn bè quốc tế biết đến hình ảnh của Việt Nam”.

Đầu tiên, khi mắm ruốc của mình chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu thì Hằng đã mời bạn bè đến nhà để thử mắm. Mắm ngon, thơm phưng phức, không sử dụng hóa chất đã tạo cho Hằng uy tín. Đến khi cả thị trấn Ái Tử xách can đến mua nước mắm của Hằng, thì lúc đó, tên gọi “Hằng mắm ruốc” đã được lan truyền đi khắp nơi.

Chị Hằng tự tay chọn tôm, cá để làm mắm.

Mở rộng cơ sở, đích thân chị Hằng đến các bến cá, thuyền ghe lựa tôm chọn cá. Nguyên liệu mang về lại được sàng lọc kỹ càng trước khi cho vào lu, hũ. Hằng đăng ký nhãn hiệu cho mắm Thuyền Nan, tiếng lành cứ thế bay xa, những cuộc điện thoại đăng ký mua hàng tăng lên qua từng ngày.

Tự tay chị Hằng hoạch định chi phí, đóng gói, thiết lập tuyến vận chuyển mắm. Những đơn hàng vào Sài Gòn, Tây Nguyên, ngược Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang cứ nối tiếp nhau. Những bức thư, những dòng tin nhắn khen: Mắm thơm quá, đậm đà quá, cố lên cháu nhé... thôi thúc Hằng phải làm ngon hơn nữa. Không quảng cáo, không hô hào khẩu hiệu, chị Hằng giải thích: “Người tiêu dùng bây giờ tinh lắm. Mắm ngon, sạch, an toàn là họ sẽ tự tìm đến. Mình có quảng bá như thế nào mà mắm dở thì cũng hỏng”.

Không chỉ để mắm ruốc quê mình quẩn quanh chốn nội địa, chị Hằng còn muốn đưa mắm đến với bạn bè quốc tế. Với vốn ngoại ngữ sẵn có, đến nước nào, tham gia học chương trình nào, chị Hằng cũng đem theo nước mắm giới thiệu. Có thể không phải để bán hàng, mà để người nước ngoài biết rằng, nước mắm Việt Nam là một đặc sản hiếm có. Cho đến bây giờ, “Hằng mắm ruốc” đã trở thành cái tên quá đỗi thân thuộc với bà con sông nước miền Trung. Chị tâm sự: “Những mế, những mẹ nơi dòng sông Thạch Hãn có thể vẫn chưa đủ việc để xóa nghèo, nhưng tôi tin chắc rằng, một ngày nào đó, Thuyền Nan ra với biển lớn thì cái nghèo cũng trở nên xa lạ với bà con quê mình”.

 

“Đã 10 năm kể từ ngày vào đại học, cho đến bây giờ là hoa quả ngọt đầu tiên tôi hái được sau những chuỗi ngày cố gắng. Tôi rất hứng thú với quan điểm giúp người nghèo cần câu chứ không cho con cá. Và với thực tế trải nghiệm của mình, tôi thấy giúp cần câu là rất quan trọng, nhưng cần hơn nữa là  giúp người nghèo có động lực để thay đổi cuộc đời”, chị Đào Thị Hằng tâm sự.

TRẦN NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh