Thạc sĩ tâm lý chia sẻ bí quyết phòng tránh trẻ bị xâm hại
- Dược liệu
- 22:17 - 26/10/2017
Trường Mầm non quốc tế iSchool Bạc Liêu vừa tổ chức buổi chia sẻ với nhiều phụ huynh học sinh trong vấn đề “bảo vệ con khỏi vấn nạn xâm hại và lạm dụng trẻ em”.
Bà Vưu Kim Thu - Hiệu trưởng trường Mầm non iSchool Bạc Liêu cho biết, hiện nay vấn đề trẻ em bị xâm hại như bắt cóc, đánh đập, lạm dụng thân thể,... đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khiến cho mọi người và xã hội rất bức xúc.
Theo bà Thu, nguyên nhân trước hết là do tính phức tạp của xã hội hiện nay, khi trật tự xã hội bị đảo lộn, khó quản lý, đặc biệt là văn hóa độc hại, nhất là trên internet, lại không có chương trình giáo dục riêng cho trẻ em, trong khi trẻ chưa hiểu đó là gì nhưng lại rất tò mò. Thực trạng này là rất đáng báo động.
Theo nhiều phụ huynh, với nhiều thông tin trên báo chí gần đây cho thấy, vấn đề bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em khiến nhiều phụ huynh trở nên lo lắng và băn khoăn làm sao để có thể bảo vệ con tránh khỏi những kẻ xấu.
Trước nỗi lo của phụ huynh, tại buổi chia sẻ, Thạc sĩ Phùng Duy Hoàng Yến (giảng viên tâm lý trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM) đã nêu một số "bí quyết" để phụ huynh có thể trang bị kiến thức về vấn đề bảo vệ trẻ khỏi bắt cóc, xâm hại tình dục như: Dạy trẻ nhận diện những kẻ xấu; những kỹ năng phòng tránh, trốn thoát, tránh xa kẻ xấu; quy tắc 5 ngón tay dạy trẻ tránh khỏi vấn nạn lạm dụng tình dục;…
Theo Thạc sĩ Yến, qua thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến 2015 có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này đồng nghĩa trung bình cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đáng chú ý, có đến 93% thủ phạm là người quen nạn nhân và 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình.
Thạc sĩ tâm lý Phùng Duy Hoàng Yến cho rằng, hiện nay với sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội như Facebook… rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thì việc tránh tiết lộ nhiều thông tin, hình ảnh về con em mình cũng là cách để bảo vệ, phòng tránh trẻ bị xâm hại.
Với mạng xã hội, kẻ xấu có thể biết được nhiều thông tin và hình ảnh của trẻ, từ đó sẽ "đánh" vào tâm lý của trẻ bằng cách như khi gặp trẻ, đối tượng sẽ nói ra đúng tên tuổi, địa chỉ của gia đình, dẫn đến dễ làm trẻ tin tưởng đối tượng cũng là người thân quen với cha mẹ, ông bà,... Từ đó, trẻ có thể bị dụ dỗ một cách dễ dàng hơn, khó tránh được những hậu quả xấu.
“Hãy dạy trẻ những kỹ năng phòng, tránh bị bắt cóc như tuyệt đối không đi theo người lạ, cảnh giác với những lời gạ gẫm, nhờ giúp đỡ hay cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện và chia sẻ với con những chuyện hàng ngày”, Thạc sĩ Yến lưu ý với phụ huynh.
Thạc sĩ Hoàng Yến cũng đưa ra "quy tắc 5 ngón tay dạy con tránh bị xâm hại tình dục" một cách dễ hiểu, dễ nhận biết để phụ huynh dạy trẻ, như: Ngón cái (ôm hôn: với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột), Ngón trỏ (nắm tay: với bạn bè, thầy cô, họ hàng),…
Còn ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc điều hành hệ thống iSchool, cho rằng, trong môi trường giáo dục, việc dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình là rất cần thiết. Trong đó, nhà trường cần chủ động đưa trẻ tham quan dã ngoại, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài để tạo nên nhận thức cho trẻ.