CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:40

Thạc sĩ người Mông đưa cây tiền tỷ về bản

Chủ tịch xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu (ngoài cùng bên trái) tặng quà cho các hộ dân ở xã.

 

Thạc sĩ người Mông đầu tiên của bản

Là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em, cuộc sống của Giàng Seo Châu cũng giống như bà con dân tộc ở Si Ma Cai nghèo đói, lam lũ, vất vả. Cả nhà lên nương rẫy từ sáng sớm tới tối mịt cũng chỉ có lúa, ngô để ăn, nhà cửa luôn thiếu thốn các vật dụng sinh hoạt, quần áo không đủ mặc…

Sự khó khăn đó đã hun đúc tinh thần vượt khó để học tập, quyết tâm thoát nghèo và giúp bà con đỡ vất vả. “Chỉ có học chứ không còn con đường nào khác”, Châu quyết tâm. Vượt qua cả chục cây số đường rừng trong nhiều năm, Châu theo học và tốt nghiệp phổ thông. Năm 2007, Giàng Seo Châu nhận được hai giấy báo đỗ vào Đại học Nông nghiệp I và Đại học Sư phạm II. Châu lựa chọn trường nông nghiệp vì muốn mang những kiến thức trong trường về áp dụng vào nghề nông.

Chưa kịp hưởng hết niềm vui đỗ đại học, Châu lại băn khoăn với bài toán kinh tế gia đình phía trước. Bởi nếu đi học, bố mẹ Châu sẽ vất vả hơn vì gia đình thiếu đi một lao động, chưa kể đến chi phí sinh hoạt ở Hà Nội tốn kém. Khó khăn hơn nữa khi bố Châu ngăn cấm việc học đại học. “Bố bảo, bố chỉ thấy người ta lên nương lấy ngô, lấy thóc để kiếm tiền, chứ bố chưa thấy ai đi học mà ra tiền cả. Mình hiểu điều bố nói vì hồi đó, cả huyện Si Ma Cai chưa có người nào đỗ đại học”, Châu xúc động kể.

Sau rất nhiều lần thuyết phục, cuối cùng bố cũng đồng ý cho Châu đi học đại học. Bố mẹ không có tiền, các anh chị thỉnh thoảng gửi cho vài trăm nghìn đồng nên tất cả sinh hoạt phí trông chờ vào việc làm thêm. Vì thế, ngoài một buổi lên lớp, Châu tranh thủ đi rửa bát cho quán cơm, làm thuê trong các vườn cây ăn quả. Số tiền kiếm được khoảng 400.000 đồng/tháng cũng giúp anh phần nào trang trải mọi chi phí trong cuộc sống.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I với tấm bằng loại khá, Châu nhận được lời mời làm tại Trung tâm thông tin xuất bản của trường, nhưng chàng trai người Mông đã khéo léo từ chối. Anh quyết định theo học thạc sĩ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Nội vụ triển khai dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo”, Châu liền hăng hái tham gia. Lựa chọn xã Mản Thẩn - nơi mình sinh ra về công tác, Châu muốn góp phần nhỏ bé của mình mang lại cuộc sống ấm no cho bà con dân tộc.

Giàng Seo Châu làm Phó Chủ tịch xã Mản Thẩn tháng 6/2012. Là người địa phương, hiểu được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của bà con, được lãnh đạo quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo nên anh bắt tay vào công việc rất nhanh. Châu cũng được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp của xã - đúng lĩnh vực mà anh theo học.

Châu đã xây dựng được nhiều mô hình điểm, trong đó có mô hình trồng cây bắp cải. Năm 2012, cả xã chỉ trồng được hơn 8ha. Sau đó, do rau bắp cải bán được nên năm 2013, diện tích trồng bắp cải của xã nâng lên thành 13ha. Sau đó, cả 7 thôn trong xã đều tham gia mô hình này. Anh Lừu Thề Pao, thôn Say Sán Phìn chia sẻ: “Nhờ mô hình trồng rau này mà kinh tế gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trước, mỗi vụ có lãi khoảng hai chục triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi đăng ký trồng 5.000 cây bắp cải và 3.000 cây su hào”.

Trong 2 năm 2013-2014, anh Châu đề xuất mô hình nuôi bò, làm các tuyến đường liên thôn giúp bà con dân bản đi lại thuận tiện. Đầu năm 2014, anh Châu được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Mản Thẩn sau 3 năm làm phó chủ tịch xã. 

Nụ hoa tam thất bao tử giá trị kinh tế cao được trồng thử nghiệm thành công tại vườn nhà anh Châu.

Giúp dân trồng cây tiền tỷ

Hướng dẫn dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển nhưng anh Châu thấy để làm giàu cần phải có thế mạnh, lối đi riêng. Biết được giá trị của cây tam thất được người tiêu dùng săn lùng mua bao tử và củ với giá cao, nhưng trong nước chưa có nơi nào trồng để bán, anh Châu lặn lội đi học kinh nghiệm từ một người trồng ở Trung Quốc. Năm 2014, anh Châu quyết định mua giống và thuê chính người bán giống từ Trung Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngay lứa nụ tam thất bao tử đầu tiên, anh thu được hơn 20kg với giá tại vườn lên tới 500.000 đồng/kg. Đó là vụ thu hoạch đầu tiên thành công ngoài sức mong đợi.

Ngay sau đó, anh tăng thêm diện tích trồng của gia đình mình lên 1ha và có thêm 3 hộ dân của xã trồng tam thất, nâng tổng số diện tích trồng lên 4ha. Hoa tam thất mỗi năm cho một vụ nên với diện tích trồng nói trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Tất cả diện tích trồng tam thất tại Mản Thẩn đều có đơn đặt hàng từ đầu năm.

Anh Châu lập dự án mở rộng diện tích trồng tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia dự án. “Là cán bộ phải gương mẫu làm trước, thực hiện thành công để bà con làm theo. Từ vụ mùa đầu tiên, tôi tự nghiên cứu ươm hạt thành công, có thể cung cấp giống cho bà con trồng vụ mới khi dự án được phê duyệt”, anh Châu vui vẻ nói. Thời gian này, anh viết sách hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và ươm giống cây tam thất để chuyển kiến thức tới từng người tham gia dự án. Châu rất mừng khi nhiều khách ở các tỉnh lân cận cho tới các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TPHồ Chí Minh… liên lạc đặt hàng nhưng những hộ dân ở đây không đủ bán. “Hiện, tôi còn nợ hàng chục đơn đặt hàng của khách bởi sản lượng vụ vừa qua (tháng 7, tháng 8) không còn nhiều nên nhiều khách phải chờ tới năm sau”, anh Châu cho biết.

“Nụ hoa tam thất Trung Quốc được nấu lên một lần nên sau khi phơi khô có hiện tượng ngả sang màu nâu đen. Trong khi sản phẩm ở Lào Cai phơi trực tiếp hoặc sấy khô sẽ có màu xanh và còn nguyên cẳng nụ. Sản phẩm đã nghiền thành bột sẽ rất khó phân biệt. Vì thế, tôi luôn khuyến khích khách hàng sử dụng hoa tươi, vừa có tác dụng tối đa lại tránh nhập nhèm về nguồn gốc”, anh Châu cho hay.

Năm 2014, diện tích trồng tam thất của Si Ma Cai (Lào Cai) là 7,4ha. Phải mất 1 năm cây mới ra nụ và 3-4 năm cho thu củ. Hiện, giá nụ bao tử tươi 500.000 đồng, khô là 900 nghìn-1 triệu đồng/kg, nếu mỗi hộ trồng từ 1-2 ha, được đảm bảo đầu ra thì nguồn thu sẽ lên tới tiền tỷ.

“Để bà con tin tưởng và làm theo như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ vì đa phần người cao tuổi trong các gia đình đều mù chữ nên khi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức mới, hầu như chẳng ai nghe. Mình phải đến từng nhà, làm cùng bà con để họ thấy có hiệu quả thì lần sau họ mới thực hiện”.

Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, Giàng Seo Châu 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh