THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Di tích lịch sử Thác Gia Long xuống cấp nghiêm trọng

Dòng thác nhiều sự kiện

Thác Gia Long hay còn có cái tên khác là D’ray Sap hùng vĩ và hoang sơ nằm bên cạnh những gốc cây cổ thụ. Những bộ rễ cây bám chặt vào bờ đá để chống chọi với dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về. Tương truyền, vua Gia Long và sau này là vua Bảo Đại đã từng nghỉ ngơi tại những gốc cây này. Có nhiều người cho rằng: Có lẽ trước đây nơi này còn có những dấu tích của các vua đề thơ trên đá để lưu lại cảm xúc trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Giả thiết này cũng rất có lý, bởi có biết bao nhiêu vua chúa thời phong kiến đã từng du ngoạn khắp nơi và có cảm hứng đề thơ trên đá. Và sự trùng hợp giữa hai vị vua kéo dài gần 200 năm ấy có phải là một sự tình cờ! Song dù thế nào đi nữa thì dòng thác này cũng được xem là "dòng thác hai vua” và vẫn còn đó những dấu tích của một thời quá vãng.

                                                                              Dòng thác Gia Long kỳ vỹ

Từ vị vua khởi đầu triều Nguyễn - Gia Long

Khi chúng tôi tò mò muốn tìm hiểu vì sao thác có tên gọi là thác Gia Long và vị vua đầu tiên của triều Nguyễn có công gì hay có ảnh hưởng gì đến dòng thác này? Người dân ở đây kể rằng: Xưa kia, sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, chúa Nguyễn Ánh đã có thời gian tìm đến đây ẩn náu và chiêu tập binh mã để khôi phục triều Nguyễn. Sự kiện này tiếc rằng chính sử không ghi chép, vì vậy đây cũng chỉ là những giả thuyết mà thôi. Sau khi giành lại cơ đồ, lên ngôi vua, tự xưng là Gia Long, nhà vua đã từng quay lại nơi này thưởng ngoạn cảnh đẹp. Vì thế, người ta gọi thác này là thác Gia Long. Cũng theo người dân địa phương, trước đây có ngôi đền thờ vua Gia Long ở gần hai gốc cây lớn, nhưng đã bị nước lũ lớn cuốn đi. Ngày nay ở phía trên ngôi đền cũ xuất hiện một chiếc am nhỏ có đề bốn chữ Hán (tứ sinh lục đạo). Đây là một điều rất lạ, bởi trên am thờ lại không ghi gì đến Gia Long như tên tuổi, húy kỵ mà lại dùng bốn chữ Hán. Tứ sinh gồm có: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh. Còn lục đạo là: thiên đạo, nhân đạo, Atula đạo, súc sinh đạo, quỷ đói đạo, địa ngục đạo. Như vậy có thể nói am thờ nơi đây thờ rất nhiều đối tượng chứ không phải chỉ vua Gia Long. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu ai đã cho xây chiếc am này cũng như viết các chữ Hán trên bài vị thờ nhưng không gặp được, ngay cả bảo vệ trong khu di tích cũng không biết việc này

                                                            Cơ sở vật chất xuống cấp bên dòng thác Gia Long

Đến vị vua cuối cùng triều Nguyễn - Bảo Đại

Vua Gia Long đã từng đến thác này, nhưng thác Gia Long lại mang đậm dấu ấn của vua Bảo Đại - ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Theo các tài liệu, năm 1930, vua Bảo Đại đã cho tôn tạo, sửa sang khu vực thác Gia Long và cho xây dựng chiếc cầu treo bên thác để tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi, săn bắn mỗi khi tới đây. Tuy nhiên, công việc đã không thể hoàn thành... và nếu đến đây, du khách sẽ thấy những dấu tích còn lại minh chứng cho một thời đã qua của lịch sử. Đó là những trụ cầu bằng bêtông cốt thép nằm rải rác bên thác nước. Ở đây có các trụ lớn nhỏ cao thấp khác nhau tùy theo vị trí. Rõ nhất là cụm mố cầu gồm 4 trụ, có trụ cao khoảng hơn 2m, mỗi cạnh chừng 1,5m còn nguyên đầu những thanh thép to cỡ cổ tay nhô cao trên mặt trụ. Trải qua bao năm tháng, những trụ cầu đã phủ đầy rêu phong, cỏ dại, có trụ bị cây rừng mọc lên, rễ đan chằng chịt. Tại đây còn có những bờ kè đá cao và dài hàng trăm mét chống xói lở cho bờ thác. Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Sơn cho biết: Để xây dựng những công trình này, hàng nghìn người dân đã phải lao động khổ sai trong một thời gian dài, dựng lán trại ăn ở ngay tại chỗ. Đầu thác, bên gốc một cây cổ thụ, có một vỉa đá lớn có lỗ lõm hình lòng cối, đường kính khoảng gần 50cm, sâu khoảng 40cm... Người ta bảo rằng những người phu đã đục lỗ đá này để dùng làm cối giã gạo.

Quanh thác còn có 5 cái ao lớn nhỏ phẳng lặng dưới bóng cây rợp mát. Đó là những ao nước tự nhiên cũng được vua Bảo Đại cho tôn tạo lại thành những ao cá. Hẳn xưa kia, mỗi khi đến đây vua Bảo Đại vẫn ngồi câu cá bên những ao này, hưởng thú vui nhàn tản! Tuy nhiên các ao này bây giờ đã trở nên hoang phế, ảm đạm.

                                                     Am thờ có 4 chữ Hán "Tứ sinh lục đạo" bên thác Gia Long

Thác Gia Long chờ bảo tồn

Được biết, đã có nhiều dự án trùng tu, tôn tạo nhằm khai thác khu di tích này, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được thực hiện, khai thác những tiềm năng của thác Gia Long. Nguyên nhân có lẽ nó là khu di tích lịch sử nên việc đầu tư vào để cải tạo gặp khó khăn, việc thu hút các nhà đầu tư về du lịch tới Đăk Nông còn ít. Nhưng theo bảo vệ của khu di tích: nơi đây nằm giữa địa giới của hai buôn dân tộc người Êđê và thường hay bị dân đến quậy phá. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây có Công ty du lịch Đam San đã từng khai thác du lịch ở đây, đã cho xây dựng ngôi nhà dài, một số ngôi nhà ven thác để du khách nghỉ trưa và hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Nhưng bây giờ những công trình ấy đã bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, Công ty du lịch Đam San cũng đã không khai thác nữa và dự án đã chuyển lại cho một nhà đầu tư khác nhưng chưa tiến hành trùng tu. Xung quanh thác, bao năm rồi khách du lịch và người dân xả rất nhiều rác khiến cho thác ngày một ảm đạm, hoang tàn. Cây cối rậm rạp quanh các lối đi xuống thác... Tất cả đã làm cho dòng thác huyền thoại thơ mộng giờ trở nên lạnh lẽo, khác hẳn với dòng thác D’ray Nur cách đó không xa.

Thiết nghĩ, đây là một di tích văn hóa - lịch sử với phong cảnh được thiên nhà nhiêu ưu đãi tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ cho dòng thác này. Nếu có một chính sách đầu tư khai thác hợp lý, khu di tích này sẽ là điểm đến tham quan, nghỉ mát cho du khách mỗi lần đến với Tây Nguyên.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh