CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:32

Tết Việt: Trải nghiệm thú vị đối với người nước ngoài

Thấy hoa đào là thấy Tết…

Những người bán hàng ở các chợ cóc trong làng ngọc Hà những ngày áp Tết không lạ gì cảnh mấy ông tây đi sắm Tết. Đơn giản bởi đây là khu vực có rất đông người nước ngoài đến thuê nhà sinh sống. Đang lúi húi mua hàng, chợt thấy cô bán rau gọi, “anh Nam, anh Nam, mua rau giúp em”, quay lại, thấy một anh Tây mắt xanh mũi lõ tươi cười nói giọng lơ lớ “bán cho anh hai cân cà chua”. “Vợ anh đâu, sao hôm nay đi chợ”, “Đi làm rồi, về muộn lắm”… Cô bán hàng vui vẻ vừa bán vừa buôn chuyện còn anh Tây vừa trả lời, vừa chọn cà chua. Ngạc nhiên vì cái tên tiếng Việt của “anh Nam”, tôi tò mò hỏi, hóa ra đó là người đàn ông Quốc tịch Mỹ, anh Paul Kinsman, bởi lấy một cô vợ Việt Nam và được nhà vợ đặt cho cái tên tiếng Việt là Nam. Trước đây, vợ chồng anh sống ở Mỹ nhưng gần 3 năm nay, họ về Việt Nam và thuê nhà trong làng Ngọc Hà. Vợ anh làm cho một tổ chức phi chính phủ, đi làm đến tối mịt mới về trong khi công việc của anh là làm phim hoạt hình nên hàng ngày anh ở nhà, làm việc chủ yếu làm trên máy tính. Việc đi chợ lúc vợ vắng nhà do anh đảm nhận nên vốn tiếng Việt của anh sau hai năm sống ở Việt Nam cũng đủ để giao dịch với mấy cô bán hàng. Anh bảo, mấy hôm nay vợ vẫn đi làm nên công việc sắm sửa chuẩn bị Tết anh phải đảm nhận, hôm trước vừa cọ rửa nhà, hôm nay thì đi chợ chuẩn bị dần. Ngày mai vợ anh được nghỉ cả nhà sẽ dành một buổi đi mua sắm những gì còn thiếu…

Đây là cái Tết thứ hai gia đình anh Paul Kinsman ở Việt Nam nên đối với anh, mọi thứ dường như không quá lạ lẫm. Cảm nhận Tết Việt, anh nói: “Vui lắm chứ, thích nhất món bánh chưng, ăn rất ngon. Trẻ con thì đươc lì xì”. Đứa con gái 8 tuổi của anh sau hai năm đón Tết ở Việt Nam giờ cũng háo hức đợi đến Tết để được lì xì. Gia đình vợ anh ở Hà Nội nên mùng một Tết nào cả nhà cũng về nhà vợ chúc Tết. Người Việt thường đoàn tụ trong những ngày Tết, dù đi đâu thì Tết đến cũng cố gắng về với gia đình, cái đó rất hay, giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Với người nước ngoài, cứ thấy hoa đào là thấy Tết

 

Bác sĩ  Brian Mcnaull - Giám đốc y khoa hệ thống phòng khám quốc tế gia đình Hà Nội cũng là một “người quen” đối với những người bán hoa dọc tuyến phố Hoàng Hoa Thám. Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006 trong chuyến khám sức khỏe tình nguyện cho bệnh nhân nghèo, sau đó lựa chọn ở lại Việt Nam nên ông vẫn thường đi chợ hoa vào những ngày áp Tết. Hòa mình vào dòng người tấp nập, mua sắm, ngắm hoa, bác sĩ Brian Mcnaull bảo: “Tôi rất thích hoa đào vì nó chỉ có vào dịp Tết. Các bạn ở phòng khám của tôi nói với tôi rằng, ở Việt Nam, thấy hoa đào là thấy Tết”.

Đã vài năm ăn Tết ở Việt Nam nên mỗi dịp Tết đến, bác sĩ Brian lại mua một cành đào và đặt ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Bà Helen - vợ của ông chia sẻ: “Chúng tôi trang trí nhà cửa bằng cây đào. Chúng tôi cũng mua các loại đồ ăn truyền thống của người Việt, các đồ ăn này rất ngon. Cảm giác háo hức khi Tết của những người bạn Việt đến khiến cho chúng tôi, những người nước ngoài cũng thấy vui mừng như chính mình là người Việt Nam vậy”.

Tết Việt không cô đơn

Xa gia đình trong những ngày người Việt sum họp, nhiều người nước ngoài mới đến Việt Nam không khỏi đôi lúc có cảm giác cô đơn, nhớ nhà. Lần đầu đến Việt Nam cách đây 3 năm, cô gái người Mỹ Julia Ruth kể lại cái Tết đầu tiên cô ở Việt Nam: “Khi đó tôi mới sang nên không có nhiều bạn bè người Việt. Những người bạn của tôi, người thì đi du lịch, người thì về nước trong khi tôi ở lại Việt Nam đón Tết. Lần đầu tiên, quá lạ lẫm, tôi thậm chí còn thiếu thức ăn vì đã không chuẩn bị sẵn đồ ăn, trong khi ngày mùng 1 Tết, chợ và các cửa hàng gần chỗ tôi thuê nhà đều đóng cửa. Ngày Tết, mọi gia đình người Việt đều sum họp, nó làm tôi nhớ đến những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi bên gia đình mình. Trong mấy ngày Tết đầu tiên ấy, tôi đóng cửa nằm nhà, sau cùng không chịu được tôi gọi điện cho bạn trai và anh ấy đã ngay lập tức bay từ Mỹ sang. Đó là cái Tết đầu tiên, còn bây giờ thì khác rồi” - Juia cười cho biết.

Rất nhiều người nước ngoài mê món bánh chưng của người Việt

 

Giờ thì khác bởi giờ đây cô gái Mỹ đã có rất nhiều bạn bè người Việt và những Tết Việt đối với cô không còn lạ lẫm như trước nữa. “Trước Tết, tôi cùng bạn bè đi chợ hoa, sắm Tết và tận hưởng thời gian nghỉ Tết để nghỉ ngơi. Có đông bạn bè là người Việt nên tôi được mời đến ăn Tết ở rất nhiều gia đình người Việt. Món bánh chưng của các bạn tuyệt ngon, cả thịt đông, nem và giò nữa. Tôi cũng đã học được cách cuốn nem để đãi bạn trai khi anh ấy sang đây”…

Trong khi nhiều người nước ngoài ở lại Hà Nội đón Tết thì anh Giovani  Kim, một giáo viên tiếng Anh người Bỉ lại chọn cách đi du lịch. “Tôi cùng một người bạn đang lên kế hoạch du lịch Sapa trong Tết này. Đây là dịp hiếm hoi được nghỉ dài ngày để tôi có thể tham quan những thắng cảnh của Việt Nam. Còn người bạn cũng thuê trọ với tôi sẽ bay vào Sài Gòn đêm 30 Tết để gặp bạn gái ở Sài Gòn, sau đó họ sẽ đi du lịch vài nước Đông Nam Á để tận hưởng không khí Tết ở tất cả các quốc gia này. Đối với những người nước ngoài như chúng tôi thì Tết Việt thực sự là một kỳ nghỉ thú vị và đầy những trải nghiệm đẹp…”.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh