Tết Việt ở Sydney
- Văn hóa - Giải trí
- 05:46 - 08/02/2016
Lễ đón giao thừa của nhóm nghiên cứu sinh, du học sinh Việt Nam tại Sydney.
Tôi đến Sydney vào một ngày cuối năm. Hà Nội đang trong tiết trời đông se lạnh, thì Sydney đang là cuối hạ. Tôi vẫn còn nhớ mãi những giây phút đầu tiên khi đặt chân lên thành phố cảng đầy quyến rũ này. Nắng ban mai trải nhẹ, với từng cơn gió mơn man, một màu xanh rợp phố, từng đoàn xe bất tận nối đuôi nhau, khung cảnh bình yên hiện ra trước mắt.
Đón tôi tại sân bay, anh Hà Tuấn - nghiên cứu sinh tiến sỹ đại học UNSW (The University of New South Wales)- với “thâm niên” 6 năm ngang dọc trên nước Úc, Tuấn chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị ở xứ sở chuột túi.
Đưa tôi đến thăm “Ngôi nhà Việt Nam” nằm ở Petersham, một vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố chừng 10km, anh Tuấn bảo, ngôi nhà này đã là nơi trú chân của bao lớp du học sinh Việt Nam ở Sydney.
Phong tục mừng tuổi cho các cháu nhỏ đầu năm mới.
Trái với vẻ ngoài già nua cũ kỹ của thời gian, bên trong ngôi nhà là một sự sinh động và trẻ trung không ngờ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là 2 lá cờ Việt Nam và Australia nằm song song ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Không rõ ông chủ nhà Richard Turnell đã treo 2 lá cờ này từ khi nào bởi màu sắc của chúng đã phai dần theo năm tháng, song có một điều tôi chắc chắn là tình cảm của ông chủ nhà đối với Việt Nam là không thay đổi.
Không khí của ngày Tết đang tràn ngập ngôi nhà, ông chủ và các bạn sinh viên Việt Nam đang sôi nổi bàn kế hoạch làm bánh chưng chào đón năm mới. Các bạn đang phân công nhau người mua lá gói bánh, người mua đỗ, gạo nếp, thịt; người chịu trách nhiệm làm mâm ngũ quả, người làm nem rán..
Ông chủ nhà chịu trách nhiệm khâu luộc bánh, bao gồm chuẩn bị nồi, củi đuốc và bắc bếp. “Năm nào cũng vậy, các thành viên trong ngôi nhà đều chuẩn bị mâm cỗ tươm tất với bánh chưng, giò lụa, gà luộc, nem rán, mứt, trà, rượu để cúng giao thừa, cầu mong những điều tốt đẹp, sau đó mọi người cùng thưởng thức trong bầu không khí ấm áp, đậm chất Việt”, ông Richard Turnell hào hứng kể.
Chia tay với ông chủ nhà tốt bụng và vui tính, chúng tôi đến thăm các khu chợ Việt Nam ở Sydney.
Phong phú hương vị quê nhà.
Sau khi người Việt Nam đặt chân đến Sydney, chính phủ Úc đã sắp xếp cộng đồng người Việt tại 3 khu vực chính thuộc ngoại ô phía Tây Sydney là Bankstown, Marrickville và Cabramatta - thủ phủ của người Việt ở Sydney.Sau 4 thập kỷ sinh sống, những người Việt định cư tại đây đã biến vùng đất ngoại ô này thành một trung tâm thương mại sầm uất nhất của cộng đồng Á châu tại Úc.
Những văn phòng tư vấn luật, dịch vụ địa ốc, chuyển tiền, phòng mạch… nằm san sát, đan xen là các cửa hiệu tạp hóa, thực phẩm, trái cây để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng người Việt làm ăn sinh sống tại đây, trong đó nhiều nhất vẫn là các cửa hiệu ăn uống với hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ. Dễ dàng tìm thấy các món ăn quen thuộc ở quê nhà như bún riêu cua, bún chả, phở Bắc gia truyền, bún bò Đông Ba, bún cá Kiên Giang, hủ tiếu Thanh Vân...
Ghé vào tiệm Hương Quê, đập vào mắt tôi là tấm biển “có tiết canh vịt vào các sáng chủ nhật”, điều bất ngờ hơn nữa là nơi này có đủ các món khoái khẩu dành cho “bợm nhậu” như lòng lợn, dạ dày, tim gan, cổ hũ, cháo lòng… với các loại rau thơm phong phú như húng quế, kinh giới, tía tô, húng bạc hà, rau mùi... không kém gì quán nhậu ở quê nhà.
Tấp nập chợ Xuân.
Có một món ăn bình dân nhưng đã làm nên “thương hiệu” của người Việt ở Úc, đó là bánh mỳ. Theo anh Tuấn, dù ở bất cứ nơi nào trên đất Úc, hễ nhắc tới bánh mỳ là phải nhắc đến tiệm bánh của người Việt Nam. Điều này lý giải “hiện tượng” các tiệm bánh mỳ Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều, cho dù tiền thuê shop cực đắt đỏ. Các tiệm bánh mỳ Việt Nam đang cạnh tranh với các cửa hàng bán đồ ăn nhanh phổ biến ở Úc như Mc Donal, Subway; giá một ổ bánh không rẻ (5 Aud/ chiếc), nhưng người Úc và khách du lịch vẫn xếp hàng chờ mua bằng được để thưởng thức.
Dạo quanh Cabramatta, tôi có cảm giác như đang ở đâu đó loanh quanh Sài Gòn, không chỉ bởi âm hưởng chủ đạo là giọng Nam “rặt”, mà phong cách, lối sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu cũng không khác bên Việt Nam là mấy. Cũng lấn ra vỉa hè để buôn bán, cũng có tiếng rao hàng lảnh lót, tiếng gọi nhau ơi ới và cả tiếng mặc cả của khách.
Không chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt, chợ Cabramatta còn có nhiều sắc dân khác đổ về đây chẳng quản đường xa và chỗ parking (đậu xe) vô cùng khó khăn. Trước đó, chúng tôi đã phải đi lòng vòng chừng 20 phút để tìm chỗ parking mà không thể nào tìm ra chỗ trống, cứ một chiếc xe sắp rời khỏi chỗ đỗ thì đã có 2-3 xe khác kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. Anh Tuấn đành chấp nhận đỗ ở cách chợ khoảng hơn 1km và cuốc bộ vào chợ. Khá nhiều người Úc bản địa cũng tham gia chợ Tết với sự hào hứng thể hiện qua nụ cười tươi rói.Vào dịp này, Hội đồng địa phương phải ngăn một số con đường để dành diện tích cho chợ Tết. Có đủ các món ăn hương vị quê nhà được bày bán như bánh đa nem, giò, chả, hạt dưa, bao lì xì, trái cây bày mâm ngũ quả, giỏ quà tết, bánh, mứt; ngoài ra còn có rất nhiều loại hoa tươi được bày bán làm tăng thêm không khí của ngày Tết. Thi thoảng tiếng pháo (âm thanh điện tử) ran lên với ánh điện quang lóe sáng như thật, xen lẫn là tiếng nhạc xuân rộn rã vẳng ra từ một tiệm băng đĩa.
Chợ Marrickville nhỏ hơn nhiều so với Cabramatta, nhưng sự phong phú của hàng hóa không hề thua kém. Những ngày cận tết, không khí ở đây thật tấp nập. Nhiều gia đình dành trọn cả ngày nghỉ để đi chợ sắm Tết. Mấy năm gần đây các farm (trang trại) của người Việt đã cung ứng gà tươi nguyên con (khác hoàn toàn so với gà đông lạnh Úc chặt khúc) để phục vụ nhu cầu làm mâm cỗ cúng Tết của người Việt Nam. Một điểm rất đặc biệt là giá cả các mặt hàng cực ổn định, không hề có chuyện tăng giá hay “chặt chém” khách, dù nhu cầu tiêu thụ những ngày Tết tăng đột biến. Chúng tôi quay trở lại trường UNSW, đây sẽ là nơi chúng tôi tổ chức lễ đón Giao thừa, cũng là nơi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến thăm Sydney lần này.
Là trường đại học lớn nhất tiểu bang New South Wales và đứng vị trí thứ 2 trên toàn nước Úc, UNSW là nơi học tập, nghiên cứu của các nghiên cứu sinh tiến sỹ, thạc sỹ các ngành đến từ 200 quốc gia trên thế giới. Hiện số lượng nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại UNSW chỉ khoảng vài chục người, chủ yếu theo diện học bổng giáo dục do chính phủ Úc tài trợ.
Anh Nguyễn Quang Đại, cựu nghiên cứu sinh của UNSW cho biết, đã thành thông lệ, hàng năm mỗi dịp xuân về, nhóm nghiên cứu sinh UNSW lại tổ chức chương trình đón Giao thừa cho anh chị em đang theo học tại trường, nhằm tạo sự đoàn kết hơn giữa mọi người, đồng thời hướng về quê hương, gia đình.
Với tinh thần đón Tết mang đậm bản sắc dân tộc, anh chị em nghiên cứu sinh đã phân công nhau làm giò, nấu xôi, mua hoa, lập bàn thờ, lắp đặt âm thanh, ánh sáng, người dẫn chương trình, người lo thủ tục xin phép địa điểm tổ chức… Mỗi người một việc, mỗi gia đình một món, cuối cùng bữa tiệc đón Tết có đầy đủ các món ăn cổ truyền đặc trưng của từng miền, bên cạnh lọ hoa tươi đặt trên bàn thờ dưới gốc cây cổ thụ trong sân trường. Bên cạnh đó là lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng. Đại diện nhóm mừng tuổi đầu năm cho các cháu nhỏ kèm theo những lời chúc tốt đẹp, khiến những gương mặt trẻ thơ bừng lên những nụ cười… Lễ đón Giao thừa đã quy tụ đông đảo sinh viên từ các trường đại học ở Sydney và một số bạn bè quốc tế đến chung vui, chia sẻ với “Vietnamese New Year”. Tại đây, họ đã được hiểu thêm về nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Việt Nam, đồng thời cảm nhận được sự trân trọng và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng nghiên cứu sinh, du học sinh Việt Nam tại Australia…
Chia tay Tuấn và những người bạn, tôi mong ước có ngày sẽ được quay trở lại với mảnh đất này, để lại được sống với những phút giây cảm xúc lắng đọng và hòa mình vào không khí ấm áp tình người…