THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:21

Tết về quê cùng “gánh nặng” chữ danh

Mới mùng 2 Tết, nhưng sân gà tàu hỏa đã đông người rời quê trở lại nơi làm việc 

Xa quê để học tập, làm ăn, ai ai cũng mong muốn được thay đổi cuộc đời, thay đổi cái mác “con nhà nông”. Đối với người ở những làng quê nghèo khó, ít người thoát khỏi cái bằng cấp 3, thậm chí là bằng cấp 2, ra đi để theo đuổi con đường học hành cao hơn, thì gánh nặng chữ danh khi trở về quê càng nặng hơn gấp bội phần.

Trên chuyến tàu cuối năm ngược ra Bắc, tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ tay bồng tay bế, xúng xính hành lý về quê nội đón Tết. Ngồi ghế cạnh nhau, tôi được dịp trò chuyện cùng người trí thức trẻ mang đầy tâm trạng trước ngày đoàn viên. Câu chuyện của anh có lẽ cũng là tâm trạng chung của không ít người mang danh trí thức nhưng chỉ mới vài năm “ra đời”. Họ chưa có sự nghiệp lẫy lừng hay thậm chí được được, nhưng phía sau là cả một “vùng trời kỳ vọng”.

Anh sinh ra trong một gia đình không có điều kiện kinh tế ổn định, nếu không muốn nói là tiệm cận cái nghèo. Anh chị của anh chỉ học ngang cấp 2 rồi “bỏ học” ở nhà rồi sau đó theo đuôi trâu cày ruộng. Anh vì không muốn suốt cuộc đời phía trước sẽ lấy “đít trâu” làm “thước ngắm” đã nỗ lực phấn đấu học hết cấp 3 rồi thi đỗ đại học. Khi anh nhận được thông báo đủ điểm đỗ vào một trường đại học ở phía Nam, cả gia đình anh vui mừng, mổ heo khao cả làng. Ngày đó, anh là “số một” là ngôi sao sáng của cả làng, là tấm gương để tất cả mọi gia đình trong làng có con cái đang đi học lấy ra để bảo ban chúng noi theo. Lý do thì rất đơn giản, anh là người đầu tiên trong làng từ trước đến nay thi đỗ bậc học cao đến vậy.

Ngày anh lên xe xuôi vào Nam nhập trường, cha mẹ anh đã phải đi vay tiền để anh có tiền đi và nộp các khoản chi phí ban đầu. Cha không nói, nhưng qua câu vừa đùa vừa có phần “cạnh khóe” của một người trong làng rằng “con không thi đỗ thì con chết với cha, giờ con thi đỗ thì cha chết với con”, anh hiểu gánh nặng cha phải mang trong suốt 4 năm đại học của anh sẽ không hề nhỏ. Cũng vì thế, suốt 4 năm đại học anh đã nỗ lực học tập, vừa học vừa làm để không phụ lòng cha mẹ và hòng mong khi ra trường có tấm bằng đủ tốt để đi xin việc làm.

Khi ra trường, anh rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Người ở quê luôn nghĩ rằng, nó học đại học ra chắc sẽ làm “ông này, bà kia”, vào làm ở những cơ quan lớn, có quyền uy lắm. Do đó, anh không thể trở về quê dù khi đó có 1 suất thi vào làm cán bộ văn hóa xã. Ở lại thành phố, anh gặp khó khi ngành nghề học ra nhan nhản người thất nghiệp, nơi tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm thực tế hơn là tấm bằng tốt của anh. Để có chi phí sinh hoạt nơi thành phố đắt đỏ, ban đầu anh phải đi lao động tay chân, trong môi trường khói bụi mà người ở quê, thậm chí cả người cùng làm cũng không nghĩ “chỗ đó giành cho người học cao như nó”. Không muốn cha mẹ buồn, anh giấu biệt chuyện này. Mỗi lần người thân gọi điện hỏi thăm, anh đều nói dối rằng mình đã xin được việc làm ở một công ty lớn, công việc ổn định. Mẹ anh tưởng thật, mang chuyện này đi kể với người này, khoe người kia khắp làng. Tết đầu, anh về quê trong sự ngưỡng mộ, chào đón của rất nhiều người. Họ nghĩ anh là một người đã thành đạt nơi thành phố, không còn phải chân lấm, tay bùn dưới ruộng sâu, trong rừng rậm nữa. Nhiều lúc trong đầu nảy sinh ý nản, anh lại thầm bảo: “giá như ngày đó đừng thi đỗ đại học thì có lẽ lại chẳng mệt mỏi thế này”.

Trở lại thành phố, dần dần anh cũng xin được một chỗ làm tạm ổn. Sau vài năm phấn đấu, anh thoát khỏi chức nhân viên để làm phó của một phòng nho nhỏ trong công ty. Anh bảo: “Năm nay đưa vợ con về quê đón Tết, trong lòng tôi vẫn rất hoang mang. Nhưng rút cuộc, tôi vẫn quyết tâm về để được đoàn viên cùng cha mẹ, cũng như cho vợ con biết Tết ở quê nội là thế nào. Hơn nữa, giờ trong làng cũng đã có nhiều em đi học các trường cao đẳng, đại học nên suy nghĩ của người làng chắc cũng đã thay đổi hơn trước nhiều”.

Câu chuyện của anh người viết mạnh dạn suy nghĩ rằng, nó không phải là độc nhất. Bởi ở đâu đó tôi thấy, ngươi ta vẫn hỏi nhau: thế đã làm sếp chưa? đã mua nhà ở thành phố chưa? hay bao giờ thì mua ô tô? Trong thời điểm này, khi mà ở một số nơi vẫn còn tồn tại quy tắc 5C; đồng tiền đi trước; thậm chí nhiều người sau khi học đại học xong phải đi học nghề để có việc làm thì có thể nói: từ cánh cổng đại học đến công danh, bổng lộc không phải một sớm một chiều. 

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh