Tết của người Si La nơi cực Tây Tổ quốc
- Văn hóa - Giải trí
- 12:51 - 08/02/2016
Tết Ô Xị Chờ của đồng bào Si La kéo dài trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ ngày con trâu (ngày sửu) đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Khi ấy mùa màng đã thu hoạch xong. Chúng tôi tìm gặp già Lỳ Chà Che, (theo cách gọi của bà con trong bản), người già có uy tín nhất bản Nậm Sin được bà con kính trọng. Theo già Che thì trong 3 ngày Tết của người Si La, quan trọng nhất là ngày thứ hai. Đó là ngày mà tất cả bà con trong bản tiến hành làm cơm cúng tổ tiên và cầu mùa màng bội thu.
Từ 2 - 3 giờ sáng, cả bản đã bừng tỉnh vì tiếng giã bánh dày thậm thịch. Khi đàn ông giã xong bánh, những người phụ nữ bằng bàn tay khéo léo nặn ra những chiếc bánh tròn trịa. Đến khoảng 6 giờ sáng, khi trời còn chưa sáng hẳn, sương mù, rét buốt vẫn bao phủ, những chàng trai khỏe mạnh bắt đầu mang lợn ra bờ suối Nậm Sin để mổ.
Theo tục lệ, người đàn ông sẽ làm lễ cúng trong ngày Tết. Đồ cúng gồm một đôi sóc, một đôi cua và một đôi cá. Trong đó, thứ quan trọng nhất không thể thiếu được trong ngày Tết Ồ Xị Chờ của người Si La là thịt sóc. Bởi vậy, trước đó mọi người trong bản phải lên rừng bắt sóc để ngày Tết cổ truyền được ấm cúng, no đủ. Dân tộc Si La quan niệm, con sóc có vị thế vô cùng đặc biệt. Ngày xưa tổ tiên sống lang thang, khổ cực, không có lợn, gà nên cứ mỗi khi năm hết tết đến chỉ có con sóc là loài dễ kiếm nhất. Đến bây giờ, mỗi gia đình ở Nậm Sin đều có một bàn thờ sóc. Theo quy định của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới. Nhất là khi ốm đau, bệnh tật, người Si La lại càng cần đến thịt sóc để làm lễ cúng, cầu cho tai qua, nạn khỏi. Trên mâm cúng không dùng hương, mà đốt nến bằng sáp ong.
Khi đồ cúng đã được chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà chỉ khấn vài câu với tổ tiên, nhờ phù hộ mùa màng xong là bắt đầu tiệc rượu. Chỉ những người đàn ông được phép ngồi ở nhà trên trong bữa cơm đầu năm mới, còn đàn bà con gái và trẻ con phải ăn ở nhà bếp. Đi khắp bản Nậm Sin, chúng tôi thấy nhà nào cũng bày sẵn mâm cơm, bàn rượu để tiếp khách. Ai đến chúc Tết cũng phải uống với chủ nhà vài ba chén rượu. Năm nay, chúng tôi được già Che mời ở lại ăn tiệc cùng gia đình, cùng với các cán bộ kiểm lâm, giáo viên cắm bản. Mọi người cùng quây quần bên tiệc rượu, chúc nhau mạnh khỏe, làm được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều con lợn, con gà…Tiệc tan, gia đình không quên biếu khách những chiếc bánh dày dẻo thơm và mời năm sau lại tới chung vui với bản làng.
Khi những người đàn ông vẫn còn đang chúc nhau bên mâm rượu, lũ trẻ con lại chạy tung tăng khắp những con đường đất trong bản làng. Chúng tụ tập lại bãi đất trống giữa bản để chơi tù lu, kéo co, ném còn. Khi trời tối, trai gái tìm đến nhau để hát ca giao duyên, tìm hiểu trao đổi tâm, tình cảm. Lũ trẻ nhỏ lại quây quần nghe các cụ già kể chuyện, răn dạy tính chịu thương chịu khó lao động sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu. Ngày tết thứ 3 không còn rộn ràng như ngày thứ 2, đây là ngày để con cái báo hiếu cha mẹ. Dịp này, những người con gái đã đi lấy chồng trở về, chúc Tết bố mẹ đẻ, thể hiện lòng tri ân đối với bậc sinh thành.
Theo già Che, trước đây người Si La có rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng, các nghi lễ liên quan đến gia đình, cộng đồng, lễ hội, tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tập quán xã hội và tín ngưỡng chỉ còn duy trì chủ yếu lễ cúng bản, lễ mừng cơm mới, Tết... Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc (nhà cửa, trang phục dân tộc, nghề truyền thống và các món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, Lễ Hội,..) đang dần bị mai một. Vì vậy cần có những chính sách bảo tồn kịp thời.
Một số hình ảnh trong những ngày Tết của người Si La.
Bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Dân tộc Si La là tộc người có số dân ít nhất cư trú trên địa bàn huyện (hiện ở bản Nậm Sin có 46 hộ, 208 người dân tộc Si La). Việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc luôn được chính quyền huyện quan tâm đưa vào Nghị quyết của Huyện uỷ. Tiến hành phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như những lễ hội, tín ngưỡng truyền thống, trang phục, nếp nhà,…Đồng thời, huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp giống cây trồng, vật nuôi để giúp người Si La phát triển kinh tế.”