THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 01:52

Tết và Xuân

Xuân Nguyễn Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

(Xuân Diệu)

Mỗi độ Xuân về, dưới ánh thiều quang lại hiện ra một trời hương sắc. Tiết dương xuân giục giã cho muôn hoa đua nở như để khoe khoang sự mầu nhiệm của thợ trời. Mùa xuân như con suối, của cành tơ và hoa đồng cỏ nội. Xuân Việt Nam từ bao giờ vẫn mang theo cơn nao nức truyền kỳ. Con nao nức của một lần Xuân Diệu nao nức trong thơ:

Ta Muốn Ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mỡn

Ta muốn viết mây đưa vào gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thau trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếch choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hởi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.

(Thơ Thơ)

Tết và Xuân - Mùa của tình ái và thơ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Xuân Việt Nam là xuân của thơ. Tiếng thơ xuân vốn phát tiết theo hương trời mới, trong lòng đất tươi rồi hợp tấu cho thành cao điệu ru vào hồn dân tộc. Bản chất Việt Nam khởi từ mùa xuân, thanh sắc cùng thời gian và xuân tươi, mơ trên tình tự giữa Người, Đất, Thiên nhiên và Tập tục. Bằng những thứ ấy hòa vào trái tim cho thành khúc tình ca muôn điệu. Mùa xuân như một thần thoại thấm vào mạch máu và da thịt người. Xuân dâng cho cao và hòa vào cảnh trí.

Thành ra mùa Xuân và Tết đối với người Việt bao giờ cũng khởi sắc tận trong tâm hồn. Trước mắt nhìn của thi nhân thì mùa xuân như cặp mắt trong của lòng vồn vã và như "rượu tân hôn không uống cũng say nồng". Bởi Xuân vui như Tết, mang bao nhiêu tinh thơ, Xuân in vào tâm hồn của Nguyễn Bính như:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.

Bằng con mắt trong của màu pha lê cô gái ngắm nhìn xuân cảm mơ theo hồn xuân. Và xuân chỉ còn là một tình khúc phong hoa và trữ tình.

Cái lai nguyên của vũ trụ âm dương kết hợp để sinh thành mà ở đó người đàn bà trở thành tính chất của thơ và tình ái cùng tiếng ca vắt vẻo trong chiếc nôi của dân tộc. Kẻ tha hương khi tưởng nhớ lại tất chẳng khỏi bồi hồi.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bò sông trắng, nắng chang chang.

(Hương thơm – Hàn Mặc Tử)

Nghe tiếng thơ này người hoài hương không khỏi khắc khỏi, bồi hồi, đau xót.

Ai biết hồn tôi xây mộng ảo

Ý thu góp lại cản tình Xuân

(Chế Lan Viên)

Dù vậy nhưng xuân vẫn là một vạn lý tình. Bởi nó là thơ, là cái chập chùng của âm dương giao hợp, của sự mặn nồng chào hỏi, của đối và đáp, của ứng và cầu trên vùng bao la của hòa điệu khởi từ lòng người theo luồng ba động Tịnh ái – Âm và Dương. Cho nên nhà thơ đã chìm vào thanh trí ấy của Xuân mà bềnh bồng theo nó:

Xuân gội tràn đầy

Giữa lòng hoan lạc

Trên mình hoa cây

Nắng vàng lạt lạt

Ngày đi chay chày…

Hai hàng cây xanh

Đâm chồi hy vọng

Ôi duyên tốt lành

Én ngàn đưa võng

Hương đồng lên nhanh

Kề bên đường mòn

Mùa đông đã tạnh

Cỏ mọc bờ non…

(Huy Cận – Lửa Thiêng)

Ngày xuân là những ngày hội ăn mừng cuộc hôn phối giữa đất và trời theo vận hành của vũ trụ nhuộm màu tình ái. Mà ngày Tết – do chữ tiết mà ra, có nghĩa là thời tiết cắm cái mốc khởi điểm của vòng thời gian trong một năm. Chính vào lúc đó, khí dương xuân phát triển và đuổi độc khí mùa đông. Khi cảnh trời chỉ là cỏ mọc bờ non với nắng vàng lạt lạt thì khí thanh của trai và gái cũng bắt đầu giao hòa dấy phát theo cao điệu thơ của mỗi tâm hồn.

Điệu thơ kia người Việt Nam vẫn hằng ấp ủ trong năng khiếu "Xuất khẩu thành thi" cho nên mỗi độ xuân đến, thơ xuân cùng với lòng người lại được dịp bày tỏ theo cơn thầu hứng giữa khung cảnh trăm nhà đua tiếng. Xuân là cái đẹp của thơ, tuy dễ tan theo mây khói. Nhưng mỗi năm lại có một lần xuân và thơ xuân do đó bất tận.

Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng

Nắng chiều xuân rung động trên cành

Mấy hàng lâu yếu bên mình

Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu.

(Thế Lữ – Mấy Vần Thơ)

Tết và Xuân - Mùa của tình ái và thơ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Nổi ngẫn ngơ của cô em là nổi ngẩn ngơ trong dòng tình ái theo khí dương xuân. Nếu loài nai tơ chỉ mua thu mới động tình thì mùa xuân bao giờ cũng là mùa động tình của trai tơ gái lứa.

Ta chỉ xin em một chút tình

Cho lòng thắm lại với ngày xanh

Sao em quên cả khi chào đón

Tình ái chiều xuân đến trước mành

Rộn rã cười vang một góc lầu

Ngây thơ em đã biết gì đâu

Đêm khuya trăng động trong cành lá

Vò võ ta se mấy đoạn sầu

Lác đác ngày xuân rụng trước thềm

Lạnh lùng ta dõi bước chân em

Âm thầm ấp mối xa xa… vọng

Đường thế đâu tìm chút áo xiêm

(Một Chút Tình – Lưu Trọng Lư)

Mãnh tình xuân vò võ của Lưu Trong Lư cùng với mấy đoạn sầu mới chỉ là cái tình đơn. Cái tình ấy rung động theo ánh xuân. Mà bao nhiêu tấm tình của thi nhân ta cũng tuồng như vậy. Ngày xuân như một cuộc vui ngắn gợi lên bao nỗi thương nhớ qua đi. Vui xuân chẳng qua cũng chỉ hơn một cuộc khuây sầu trong khoảnh khắc.

Chầm chậm ngày xanh bóng nhạt đưa

Sầu xuân hai độ rối như tơ

Làm sao nhà vắng chim làm tổ

Ỳ ộp hồ xa ếch đợi mưa

Ruộng hứng thêm vui không sẵn bạn

Hoa tàn giục nghĩ chẳng nên thơ.

(Sầu Xuân – Tản Đà)

Xuân với Tản Đà lại bỗng dưng thành nổi sầu vô hạn, chỉ vì xuân vẻ vời lên màu tóc hoa râm của thi nhân những hình bóng cũ xa mờ nhưng vẫn cón dấu diếm quanh đâu. Nên mùa xuân càng tình thơ bao nhiêu và rạo rực bao nhiêu thì lại càng khiến thi nhân nghẹn ngào trước cảnh đổi thay của tạo hóa.

Ngày xuân thêm tuổi càng cao

Non xanh nước biết càng ngao ngán lòng

(Xuân Tứ – Tản Đà)

Trước sau, xuân vẫn là khúc tình thơ say sưa trong cơn yêu dấu bởi từ muôn thuở nào Xuân vẫn mang theo cả thể phách lẫn linh hồn người mà nhận chìm vào khung cảnh tuyệt diệu của rộn rã, của giọng suối ca, của thứ thiên hương một lần nhớ rồi một lần lơ lững.

Chim mang về tổ bóng hoàng hôn

Vàng lửng lơ non biếc đọng cồn

Cành gió hương xao hoa tỉ muội

Đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn

Khói mây quanh quất hồi chuông vọng

Trời biển nôn nao tiếng địch dồn

Thưởng cảnh ôn câu tình tự quá

Thuyền con chở nguyệt đến cô thôn

(Chiều Xuân – Quách Tấn)

Người Việt vốn nặng nợ với văn chương. Một năm bốn mùa thì mùa thu là mùa thơ của tưởng nhớ quan hoài, của mong manh xa cách. Mùa xuân khác hẳn, mùa của thơ tình ái no tròn. Nguồn sống vươn lên từ đó, Xuân đến mang theo Tết. Mà Tết đối với người Việt không chỉ đơn thuần là ngày bắt đầu của một năm.

Tết Nguyên Đán là nghĩa của ngày vui lớn ăn mừng buổi sáng đầu tiên trong sương. Thời gian chuyển dịch qua một chu kỳ mới cho nên người, thiên nhiên và cả vật vô tri cũng đổi thay cho hòa hợp với vẽ huy hoàng của buổi tân xuân. Cho nên ta mới thường gọi vui như Tết.

Tết Việt Nam có ý nghĩa lạ lùng trong ý thơ và tình say. Đoàn Văn Cừ trong bài "Chợ Tết" nhà thơ đã vẽ nên cả một bức tranh có đủ cái màu của xuân lại mênh mang cái tình của người phút giao ngộ mới cũ theo vận hành của vũ trụ – vốn nhốm một màu tình thơ – Vì vũ trụ của xuân là vũ trụ tình và thơ.

Dãi mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nốc nhà gianh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

……… …… ………

sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi hoa soan nằm dưới ánh bình minh

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)

Qua hội hè đình đám mùa xuân thì tình ái đã được tháo khoán khỏi cái khung ước lệ trong những ràng buộc của gia đình lễ giáo. Tình ái được công khai tán dương và khuyến dụ trong nắng xuân, giữa đình làng và trước hàng bao cặp mắt trong đầy một ham muốn chia sẻ. Và cái tình Xuân ở đây mới thật là tinh xuân – dấy động trong cái toàn thể theo mô thức Thiên nhiên – Tuổi trẻ quê hương – Tình và tự do diễn đạt phô bày qua sự đơn sơ của một lời chào hỏi, qua miếng trầu thăm nhau nhất là qua lời ca tiếng hát. Nên tình ái mùa xuân đã nhuốm màu thần thoại này qua tục hát quan họ (Hội làng Lim – Bắc Ninh), Hát Dậm (Hà Tĩnh), Hát Đúm, Hát Ví… Ngoài ra còn có trò đánh đu (đu ngô hay đu tiên), trò kéo co (một bên trai một bên gái) cùng nhiều tập tục khác.

Chữ "Xuân" lại có nghĩa là trai gái thuận tình nhau, thương yêu nhau cho nên có hội hè mùa xuân là mùa hoan lạc của giao tình vậy.

"Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già sồng sộc nó thì theo sau"

Trong cảm xúc giao ngộ bềnh bồng giữa nam nữ qua đôi mặt từ tâm hồn có thể đi đến giao ngộ về tình dục, kết quả là mùa xuân đem lại bao nhiêu cuộc hôn nhân cho trai gái. Xuân là hội của tình, tức là xuân tự nó đã mang theo năng lực sinh thành của vũ trụ (nam nữ cấu tinh vạn vật hóa sinh).

Từ buổi tinh sương của ngày đầu năm cho đến hết tháng giêng, trai gái tha hồ trăng gió – hẹn hò như cùng thiên nhiên mà kích động cho vạn vật giao tình nảy nở. Cái nguyên lý Vuông và Tròn. Non và Nước, Trời với Đất cùng Âm dương Trai gái chính là nguyên lý sinh thành và được dân tộc Việt Nam thanh sắc hóa, tình thơ hóa giữa cảnh huy hoàng và mộng của hội xuân.

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý. Bóng Xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

(Mùa Xuân Chín – Hàn Mặc Tử)

Tình Xuân Việt Nam bao giờ cũng mang theo hy vọng. Và hy vọng ấy không phải chỉ mơ hồ lãng đãng trong trí tưởng. Vì tình xuân tuy có phong hoa, ong bướm nhưng bao giờ cũng đặt trên lẽ đạo Vuông tròn của tơ duyên. Khi Hàn Mặc Tử ca ngợi mùa xuân chín đã không quên nét tơ duyên của xuân. Mỗi độ vui xuân trong ánh tình xuân rực rỡ thì lại có một vài cô gái bỏ cuộc chơi theo chồng. Cái căn bản trong cuộc vui xuân vẫn là hoàn thành cuộc tơ duyên vuông tròn.

CTV Xuân Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh