Tết trong cung Vua, phủ Chúa ngày xưa
- Văn hóa - Giải trí
- 18:02 - 09/02/2016
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong năm, là ngày hội của gia đình, làng xã, cộng đồng người Việt. Dù có đi đâu làm gì, đến Tết mọi người cũng cố gắng trở về nhà sum họp gia đình, thắp nén hương thơm trên bàn thờ tổ tiên gia tộc. Và Tết không chỉ là lễ hội mà còn là một nghi lễ tâm linh thiêng liêng cầu mong những gì không tốt của năm cũ sẽ trôi qua, chờ đón những tốt lành năm mới.
Trong cung đình ngày xưa, tính chất linh thiêng của ngày Tết còn quan trọng hơn, vì Vua và triều đình là đại diện cho hưng thịnh quốc gia, bình an ấm no dân chúng nên những nghi lễ cúng bái đầu năm rất tôn nghiêm, chưa kể tính xa hoa, lộng lẫy chứng tỏ quyền lực “Thiên tử”. Một chút phác thảo về Tết cung đình thời Trần – Lê – Nguyễn như vài trang lịch sử lật xem trong 3 ngày Tết.
Tết trong Hoàng gia thời Trần
Tết trong cung đình thời Trần được tổ chức rất trang trọng và kéo dài từ ngày đầu năm tới đầu tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ cúng tế khác nhau.
Ngay từ ngày 28 tháng Chạp, các quan tháp tùng Vua ra tế đền Đế Thích ngoài thành Thăng Long. Sáng 30 Tết, Vua ngự trên Đoan Cung, các quan vào làm lễ rồi xem múa hát. Buổi chiều Vua sang cung Đông Nhân bái yết Thái Thượng Hoàng. Đêm Giao thừa, mời sư vào Đại Nội tụng kinh và làm lễ Khuna (lễ đuổi ma quỷ).
Mùng 1 Tết, khoảng canh 5, Vua ra điện Vĩnh Thọ cho con cháu và quan tướng làm lễ bái hạ. Sau đó Vua đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng tổ tiên làm lễ vọng bái. Sáng ra, Vua ra điện Thiên An, Hoàng Hậu, phi, tần, các quan nội thần trên điện, nhạc công tấu nhạc trước sân rồng, các hoàng tử hoàng tôn, thân tướng và quan tướng xếp hàng làm lễ bái và dâng 3 tuần rượu. Xong các hoàng tử lên điện, các quan nội thần ngồi ở tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu.
Vua và tất cả mọi người dự yến tiệc đến trưa. Lúc này Vua ngồi trên Đài Chúng Tiên hai tầng, được trang trí vàng bạc lộng lẫy để các quan quỳ lạy dâng 9 tuần rượu chúc thọ. Mùng 2, quan tướng ăn Tết tại nhà. Mùng 3, Vua ngự trên lầu Đại Hưng xem hoàng tử, các con quan đánh cầu – trò chơi được ưa chuộng nơi cung đình.
Mùng 5, làm lễ Khai Hạ, Vua ban Yến, du ngoạn đền chùa… Rằm tháng Giêng, giữa sân trong cung dựng cây đèn Quảng chiếu, thắp hàng vạn ngọn đèn, các sư đi quanh tụng kinh, còn quan tướng làm lễ Triều Đăng…
Tết trong cung Vua phủ Chúa thời Lê – Trịnh:
Tết Nguyên đán trong cung Vua phủ Chúa thời này ngắn hơn và nặng về nghi lễ, ít trò vui chơi.
Mùng 1 Tết, Tiết Chế phủ (con trai cả Chúa Trịnh) theo lệnh Chúa dẫn quan tướng mặc lễ phục vào chầu Vua Lê, làm lễ chúc mừng năm mới. Trước đó, ngày 30 tháng Chạp, Ty Thượng thiết đã đặt ngự tọa ở điện Kính Thiên, bày hương án phía trước. Ty Viễn giá cắm tàn vàng hai bên ngự tọa. Ty Giáo phường chuẩn bị Thiều nhạc, Đại nhạc phía Đông – Tây sân rồng. Ty Thủ vệ dàn cờ quạt, khí giới theo đúng nghi thức.
Giữa công đường, bộ Lễ, ty Nghi chế đặt một cái án trên đó để tờ biểu của Sử Ty Đô Tổng bình, Thừa chính cùng Ty Hiến sát các xứ chúc mừng Vua. Các quan bộ Lễ và Ty Thừa đến canh năm rước án biểu vào cung, trên che tàn vàng, cờ trống và nhạc đi trước, văn võ theo sau. Cục Thừa dụ khiêng án biểu đến cửa Đoan Môn, đặt ở phía Đông sân rồng.
Trống nghiêm hồi thứ nhất, các quan xếp hàng ngoài cửa Đoan Môn. Trống đánh hồi hai, viên Đạo Lễ dẫn Tiết chế phủ vào điểm trước sân rồng ngồi chờ. Trống hồi ba, các viên chấp sự vào điện Vạn Thọ lạy 5 lạy 3 vái rồi rước Vua ra điện Kính Thiên. Viên Đạo Lễ dẫn Tiết Chế phủ vào đứng ở sân rồng, quan văn võ xếp hàng hai bên Đông – Tây, quan ty Thừa và triều yết đứng ngoài cửa Đoan Môn.
Vua lên ngự tọa, Giáo phường tấu nhạc, quan Tuyên biểu quỳ tâu và dâng biểu chúc mừng, quan Đại Trí từ đọc lời cầu chúc của Tiết Chế phủ và bách quan văn võ. Nhạc điểm nhịp và các quan theo lời viên Thông tán mà quỳ, vái, lạy… Quan Truyền chế đọc lời đáp của Vua, các quan lạy tạ 4 lần, nhạc tấu khúc Hưu Minh, Vua lên kiệu về cung, kết thúc buổi chầu.
Ở phủ Chúa, viên Tư Thiên giám chọn giờ tốt để Chúa đi lễ Thái Miếu. Mùng 1 Tết, hiệu Thiên hùng bắn súng, hiệu Thị trung đánh trống, quân cấm vệ đứng đầu hoặc đi tuần xung quanh. Chúa lễ xong, phiên Bình ban thưởng tiền xuân cho quan tướng. Tiết Chế phủ dẫn các quan xếp hàng tiến vào lạy mừng. Chúa ban Yến. Dự yến xong, các quan làm lễ tạ ơn rồi sang phủ Tiết Chế chúc mừng năm mới. Sau đó về ăn Tết ở nhà.
Tết trong cung nhà Nguyễn diễn ra rất sớm, từ 20 tháng Chạp làm lễ Phát thức (rửa ấn). Các quan mặc áo xanh ra chầu ở điện Cần Chính. Vua đến, mọi tủ chứa ấn đều được mở. Ấn rửa bằng nước thơm, rồi niêm phong cẩn thận không dùng vào dịp Tết. Ngày 22 tháng Chạp, làm lễ Hạp hương – lễ mời các Tiên đế về ăn Tết ở điện Thái Miếu.
Nhã nhạc tấu, chín phát súng thần công lệnh nổ, Thái giám đốt hương trầm, quan nội các tiến lên hoàng án lấy biểu chúc mừng trao cho quan Tuyên đọc, đọc xong các quan lạy tạ. Quan phụng chỉ đọc lời đáp của Vua. Nhạc tấu khúc Hòa bình, Vua về điện Cần Chánh.
Tại đây các hoàng tử, hoàng thân, các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên lạy mừng. Vua ban yến và thưởng tiền cho mọi người. Mùng 1-2 Tết Vua ban yến cho hoàng tộc và các quan tướng. Mùng 4 Tết cử hành lễ Triều minh – Vua đi tế lễ các đền miếu quốc gia.
Mùng 5 Tết, Vua tổ chức lễ Tịch điền – Vua đích thân cày ruộng và cầu cho mùa màng. Lễ này tồn tại từ thời Lý và như một tục lệ không thể thiếu trong nghi thức lễ Tết đầu năm trong cung.
Từ mùng 6 tết, Vua sẽ làm các lễ khác, Nghênh xuân, Tiến xuân, Xuất binh rất tưng bừng, chủ yếu là tham gia cùng dân gian vui Tết.
Theo như trong sử sách, Tết trong cung phải diễn tiến theo những nghi thức được ấn định trong “Hội Điển sự lệ” do sự sắp đặt của bộ Lễ và chọn ngày của Khâm Thiên Giám. Và có rất nhiều quy tắc phức tạp khác, để tỏ rõ sự tôn nghiêm, linh thiêng, quyền uy chốn cung đình.
Xuân này là xuân thứ 16 của thế kỷ 21, Tết Nguyên đán của ta mang nhiều sắc thái, những phong tục tập quán truyền thống song song tồn tại cùng nhiều sự mới lạ hội nhập của các dân tộc khác… Và những cái Tết cung đình có lẽ mãi chỉ còn trong các trang sách lịch sử, cũng dần phủ bụi thời gian, tồn tại như một quá khứ cổ tích…