Tết thời Covid - Trở về với những giá trị truyền thống
- Văn hóa - Giải trí
- 18:50 - 02/02/2022
Hơn 2 năm sống trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến cuộc sống của mọi gia đình đều thay đổi. Nếu như trước đây, do áp lực công việc, cuộc sống bận rộn khiến chúng ta có ít thời gian dành cho gia đình, thì kể từ khi thực hiện yêu cầu cách ly xã hội để phòng dịch, nhiều người phải làm việc trực tuyến tại nhà, nếp sinh hoạt cũng vì thế mà thay đổi, thời gian cho gia đình cũng nhiều hơn. Không còn những cuối tuần vội vã, không còn những buổi tối chỉ có 2 tiếng chơi cùng con, những bữa cơm gia đình vì thế cũng được duy trì đều đăn hơn, chúng ta có thêm thời gian hướng dẫn con kiến thức, thói quen tốt, kỹ năng bảo vệ bản thân và cùng nhau chia sẻ việc nhà. Các thành viên trong gia đình được cùng nhau trải nghiệm quý giá về tình cảm, trách nhiệm với gia đình, cùng vun đắp, gắn kết, qua đó hiểu hơn giá trị của sự sum vầy.
Theo PGS, TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), dịch Covid-19 gây nên những xáo trộn đáng kể cho đời sống xã hội, song cũng đồng thời là tác nhân khơi dậy nhiều giá trị từ quãng thời gian “sống chậm” của mỗi người, mỗi nhà, để khi soi vào và nhìn nhận thấu đáo, người ta biết trân quý hơn sợi dây gắn kết gia đình, sớm có những điều chỉnh cho phù hợp, cân bằng. Sẽ không tránh khỏi sự bất hòa, đôi chút ngột ngạt vì không được ra ngoài, nhưng đây cũng là thời điểm giúp mỗi người trân trọng thời gian ở cạnh gia đình mình, tranh thủ chia sẻ, trao đổi, dành thời gian để hiểu nhau hơn hay thậm chí là cùng lập danh sách những việc cần làm, những nơi cùng nhau đến trong tương lai. Sau này khi trở lại guồng sống gấp gáp bình thường có khi người ta lại tiếc nuối những ngày cả nhà sống gần gũi với nhau như thế.
Cuộc sống thay đổi nên cái Tết thời Covid cũng đang dần thay đổi. Do dịch bệnh, những ngày giáp Tết năm nay cũng bớt sôi động, ồn ã nhưng mỗi gia đình đều chuẩn bị cho mình một cái Tết tuy đơn giản nhưng nhẹ nhàng và bình yên hơn.
Với một phụ nữ U50 như chị Thanh Loan (Thanh Xuân, Hà Nội), lớp phụ nữ thường hoài niệm những giá trị truyền thống thì Tết là nồi bánh chưng, là giò xào tự gói, nồi canh măng tự nấu, bó hoa thược dược được cắm trong phòng khách, hương thơm thoang thoảng của nồi nước lá mùi già tẩy trần ngày cuối năm…
Vậy nên, những ngày giáp Tết năm nay, chị Loan cùng với chồng, con đã lên kế hoạch chuẩn bị Tết chu đáo. Mọi thứ nguyên liệu được mua qua mạng, vừa tiện lợi, vừa an toàn, không thiếu thứ gì từ bánh kẹo, măng, miến đến hành củ, lá dong gói bánh chưng… Rồi cả nhà cùng quây quần bóc hành, cuốn nem, rửa lá, thái thịt, gói bánh, làm giò… Những đứa trẻ con thành phố như con chị, chưa bao giờ được biết gói bánh chưng, làm giò xào thế nào, bởi mọi thứ trước đây thường được mua sẵn thì giờ đây lần đầu chúng được gói bánh chưng, làm giò cùng bố, rửa lá dong, bóc hành giúp mẹ, thậm chí được tự tay trải nghiệm gói những chiếc bánh chưng con cho riêng mình…
“Tết thời covid, mặc dù giản đơn và bình dị hơn, nhưng với tôi đó vẫn là cái Tết đã trọn vẹn và ấm cúng vô cùng. Những hoài niệm về những mùa Tết xưa khi tôi còn nhỏ, đón Tết cùng bố mẹ đã quá lâu không còn tìm thấy do cuộc sống bận rộn, thì trong những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh, tôi một lần nữa lại tìm được. Năm nay, tôi sẽ cho các con mình có trọn vẹn những ký ức ấy”, chị Loan chia sẻ.
Cũng chọn cho gia đình một cách trải nghiệm Tết xưa đầy thú vị, gia đình anh Thành ở Đông Anh, Hà Nội lại quay trở lại với tục “đụng lợn” ngày Tết. “Nhà có mấy anh em ở gần nhau, trước đây bận bịu không có thời gian, mọi thứ đều được đặt mua sẵn, nhưng đợt này Cdịch bệnh hoành hành, công việc đình trệ, thời gian ở nhà nhiều nên 6 tháng trước mấy anh em đã nuôi chung một con lợn, giờ đã hơn 70kg. Đợi sát Tết sẽ mổ, chia mỗi nhà một đùi. Đủ thịt để làm giò, gói bánh chưng, làm nem, nướng chả, cỗ ngày 30 lại có lòng, có cháo… chuẩn vị Tết xưa. Bọn trẻ được trải nghiệm cái Tết như anh em chúng tôi ngày xưa. Tôi đang treo thưởng, đứa nào học giỏi nhất sẽ được thưởng cái đuôi lợn…”, anh Thành cười vui cho biết.
Đón Tết online, không cỗ bàn, bia rượu linh đình, không chúc tụng, quà cáp khắp nơi như trước, sẽ là một mùa Tết chưa từng có, tuy đơn giản nhưng ấp áp và bình an - là tâm sự của rất nhiều người con xa quê mà Tết này dự định sẽ ở lại thành phố. Ở lại vì sự bình yên của người thân - đó là cách mà rất nhiều người con xa quê lựa chọn.
“Thay vì hối hả đặt vé tàu xe, máy bay để về quê nội, quê ngoại ăn Tết như những năm trước, năm nay vợ chồng con cái tôi quyết định ở lại thành phố đón Tết. Không thể về sum họp bên gia đình cũng có chút luyến tiếc vì cả năm nay chúng tôi phải xa cách do dịch bệnh triền miên nhưng vì an toàn cho bản thân và gia đình cũng là góp một phần vào công cuộc chống lại dịch bệnh của cả nước”, anh Nguyễn Hoàng, quê Thanh Hóa chia sẻ.
Vợ chồng chị Hồng (quê Ninh Bình) cũng cho biết, năm nay gia đình anh chị quyết định ở lại đón Tết tại khu trọ, thay vì về quê ăn Tết. Ở lại Hà Nội, gia đình chị sẽ đón một cái Tết vừa an toàn, vừa tiết kiệm và cũng là cơ hội để gia đình trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị của một cái Tết thành phố.
“Giữa thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát với chủng virus mới, chẳng có gì đảm bảo sức khỏe của gia đình khi ra khỏi nhà, nhất là phải di chuyển xa bằng các phương tiện tàu, xe, máy bay. Thế nên, ở nhà là cách tốt nhất để cả gia đình tôi bảo vệ nhau”, chị Hồng chia sẻ.