THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Tết Thanh minh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng

Từ sáng sớm ngày Tết Thanh minh, dòng xe, dòng người trên các ngả đường về các huyện miền Đông, của Cao Bằng đã đông như ngày hội. Khắp các sườn đồi mọi nhà tấp nập gồng gánh đồ, lễ đi tảo mộ. Họ đến khu mộ của gia đình từ sớm để thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó, kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên. Ban đầu, chỉ có người Tày, Nùng tổ chức Tết Thanh minh, sau dần, người Kinh ở dưới xuôi lên Cao Bằng sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa tục lệ này cũng hưởng ứng, tổ chức Tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như bà con người dân tộc.
Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, cá rán, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu..., trong đó một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen). Gọi xôi đăm đeng nghĩa với 2 màu nhưng các gia đình đều thể hiện tấm lòng với nhiều loại xôi nhiều màu sắc, thường gọi là xôi ngũ sắc (đỏ, xanh, đen, tím, vàng...). Màu xôi đều được làm từ các loại lá rừng trông rất bắt mắt. Loại lá tạo màu chính là lá cẩm. Nếu dùng lá giã ra cho thêm một chút vôi rồi ngâm với gạo nếp, khi đồ lên, sẽ có màu xanh cổ vịt quyến rũ. Nếu cũng dùng lá đó giã ra ngâm với nước tro của rơm lúa nếp sẽ có xôi màu xanh thẫm đặc trưng. Dùng lá cây xau xau cho màu đen bóng... Xôi đăm đeng có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Xôi đăm đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người Tày, Nùng ở Cao Bằng quan niệm Tết Thanh minh không thể thiếu xôi đăm đeng, qua mâm xôi như để thầm đánh giá tay nghề cùng sự khéo léo của các nàng dâu trong họ.Đối với người Tày, Nùng sống ở Cao Bằng, Tết Thanh minh là ngày họ hàng gặp gỡ đông đủ nhất trong năm. Ngoài việc chính lễ cho ông bà, tổ tiên, còn là dịp nhắc nhở con, cháu phải nhớ ơn và biết về cội nguồn, dòng tộc. Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên, nên là dịp cho người trong dòng họ và các dòng họ khác giao lưu, trao đổi tình cảm, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Tết Thanh minh, tảo mộ là một tục lệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Khắp các bìa rừng, đồi núi, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu bay theo gió tháng Ba, báo hiệu con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ. Mọi người cùng uống rượu và kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất. Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội.Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong Tết Thanh minh của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng nói riêng và miền núi phía bắc nói chung đã tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ giữ gìn, phát huy.

XUÂN MAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh