THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:45

“Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”, kỳ vọng năm 2023

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao quà Tết cho đoàn viên, NLĐ. Ảnh: Hải Nguyễn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao quà Tết cho đoàn viên, NLĐ. Ảnh: Hải Nguyễn.

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, một trong những yêu cầu trong hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 là đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, phù hợp; ưu tiên ĐV, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bão lũ, thiếu, mất việc làm. Các đoàn viên, lao động thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa về quê ăn Tết cũng là đối tượng cần chăm lo.

Tổng LĐLĐ lựa chọn chủ đề Tết năm 2023 là “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”, kỳ vọng năm 2023 khởi đầu một mùa xuân thắng lợi với sự chung sức, đoàn kết của các cấp Công đoàn, ĐV, NLĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; trọng tâm là việc đại diện chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho ĐV, NLĐ.

 

Theo đó, các hoạt động chăm lo Tết bao gồm việc tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết ĐV, NLĐ với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn, các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương.

Công đoàn giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện chế độ tiền lương, thưởng dịp Tết; kịp thời phát hiện và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, NLĐ bị nợ lương, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

Tăng cường đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Có các biện pháp phát hiện, phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết.

Dịp Tết 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến tổ chức 15 đến 25 chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại khoảng 21 địa phương. Đó là các địa phương có đông ĐV, NLĐ, đông người dân tộc thiểu số, khu vực trung du, miền núi, biên giới, nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho NLĐ khó khăn...

Cùng với đó, tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như: Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tại các doanh nghiệp, ở nơi có đông ĐV, NLĐ phù hợp tình hình thực tế.

Tổ chức phương tiện đưa, đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa ĐV, NLĐ có nhu cầu về quê đón Tết, trở lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo.

Tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên ĐV, NLĐ không có điều kiện về quê đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn.

Tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ ĐV, NLĐ khó khăn, giúp NLĐ ở lại cùng doanh nghiệp đón Tết. Thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của ĐV, NLĐ. Tuyên truyền, vận động ĐV, NLĐ đón Tết, vui xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian; thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh